Doanh nghiệp lấy nước máy đi kiểm nghiệm, nhưng chế biến bằng nước giếng khoan!
Nguồn nước máy do doanh nghiệp này được gửi đi kiểm nghiệm, đạt hết các chỉ tiêu, nhưng sau khi được cấp giấy chứng nhận rồi lạị sử dụng ngay nước giếng khoan để chế biến thực phẩm...
Tại buổi đối thoại chính sách quản lý ATTP về tháo gỡ rào cản kinh doanh cho các doanh nghiệp do Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 12/9, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP nhấn mạnh, vấn đề đảm bảo ATTP đang là lĩnh vực rất “nóng” hiện nay và quản lý ATTP cũng “nóng” không kém do liên quan đến nhiều chính sách, nhiều luật khác nhau.
Dù quản lý theo phương thức nào, nặng về tiền kiểm hay nặng về hậu kiểm, thì điều quan trọng nhất vẫn phải hướng tới hiệu quả
Ông Phong cho biết, hiện nay Cục ATTP đang thực hiện rất nhiều giải pháp kiểm soát chất lượng thực phẩm, trong đó tập trung theo hướng tăng hậu kiểm giảm tiền kiểm để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như điều kiện sản xuất của Việt Nam.
Phân tích sâu hơn về việc này, đại diện Cục ATTP cho biết, với quan điểm của Bộ Y tế là giảm tiền kiểm tăng hậu kiểm, thời gian trung bình “kiểm tra thường” tại cửa khẩu với một sản phẩm thực phẩm nhập khẩu nếu như trước đây phải mất 9,3 ngày thì hiện chỉ còn 5,5 ngày, do hầu như chỉ kiểm tra bằng cảm quan, trừ trường hợp nghi ngờ mới lấy mẫu kiểm nghiệm.
Tương tự, thời gian trung bình “kiểm tra chặt” – lấy mẫu xét nghiệm - với sản phẩm thực phẩm nhập khẩu cũng giảm được gần 50% do hiện chỉ kiểm tra chặt với những lô hàng có cảnh báo mất ATTP hoặc lô hàng trước đó có vấn đề, số này chỉ chiếm 1-2% doanh nghiệp trong năm.
Cùng đó, từ cuối năm 2015, Cục ATTP thực hiện triển khai cơ chế một cửa đối với việc kiểm tra nhà nước với các sản phẩm nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế. Đây cũng là giải pháp giúp thời gian kiểm tra tại cửa khẩu với các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu đã rút ngắn nhiều so với làm thủ tục giấy tờ.
Ở góc độ đơn vị bảo vệ người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiểm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng cho rằng, quan điểm quản lý, kiểm soát chất lượng thực phẩm nặng về hậu kiểm hơn tiền kiểm là cần thiết.
Theo ông Hùng, trước đây chúng ta nặng về tiền kiểm, tức tất cả sản phẩm thực phẩm sau khi nhập khẩu hoặc sản xuất ra phải được cơ quan quản lý nhà nước về ATTP kiểm tra hồ sơ giấy tờ, nếu thấy đạt thì cấp cho một giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn và được lưu thông, còn việc hậu kiểm bị xem nhẹ hơn.
“Thế nhưng qua thực tế cho thấy, hầu hết sản phẩm khi tiền kiểm, tức kiểm tra giấy tờ đều đạt, đều đầy đủ hồ sơ song khi chúng tôi tiến hành kiểm tra thực tế tại cơ sở, dây chuyền sản xuất, nguyên liệu sản xuất thì lại hoàn toàn khác. Chẳng hạn có doanh nghiệp lấy mẫu nguồn nước máy gửi đi kiểm nghiệm, đạt hết các chỉ tiêu nhưng sau khi được cấp giấy chứng nhận rồi thì về sản xuất lại sử dụng ngay nước giếng khoan để chế biến thực phẩm...
Tiền kiểm là cần thiết nhưng hậu kiểm mới quan trọng, nếu chỉ tiền kiểm, thấy họ đầy đủ tiêu chuẩn rồi thì cấp phép và buông nhẹ kiểm tra, hậu kiểm sẽ không thể giải quyết được vấn đề gì” – ông Nguyễn Mạnh Hùng phân tích.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Phong, dù quản lý theo phương thức nào, nặng về tiền kiểm hay nặng về hậu kiểm, thì điều quan trọng nhất vẫn phải hướng tới hiệu quả, vẫn phải bảo vệ cho được quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục ATTP, từ cuối năm 2015 Cục này đã thực hiện cơ chế một cửa đối với việc kiểm tra các sản phẩm nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.
Cục ATTP cải cách thủ tục hành chính, áp dụng dịch vụ công trực tuyến, giúp doanh nghiệp khai báo và nộp hồ sơ online, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại cho doanh nghiệp.
Theo đó, thời gian kiểm tra tại các cửa khẩu đã được rút ngắn nhiều so với làm thủ tục giấy. Cụ thể, với việc kiểm tra chặt, trước kia doanh nghiệp phải mất gần 12 ngày để làm hồ sơ giấy, nay kiểm tra một cửa chỉ mất 6,5 ngày.
Cũng theo bà Nga, để hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp làm thủ tục, hồ sơ giấy tờ, Cục ATTP công bố số điện thoại của lãnh đạo Cục, của nhân viên kế toán trong việc áp dụng phí và lệ phí, và địa chỉ email của các cán bộ liên quan để doanh nghiệp có thể gửi những kiến nghị, thắc mắc.
Đồng thời, cách đây vài ngày, Cục ATTP đã công bố công khai sốđiện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phảnánh, thắc mắc của người dân các vấn đề về ATTP.
Theo V.Thu
Gia đình & Xã hội