Đo xương hay bán sữa?
Gần đây, tại một số chợ, siêu thị ở Hà Nội xuất hiện những ngày hội sản phẩm sữa, các hãng tung ra chiêu khuyến mãi giảm giá hoặc miễn phí đo loãng xương. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia y tế, người tiêu dùng có thể bị lừa...
Coi chừng máy đo xương... dỏm
Cách đây hơn một tháng, khi mua sắm cuối tuần, bà N.T.L. (50 tuổi, Cầu Giấy) thấy băngrôn quảng cáo rầm rộ về đo mật độ xương miễn phí liền vào đo thử. Kết quả bà bị loãng xương kèm lời cảnh báo: “Nếu không sử dụng các loại sữa giàu canxi để bổ sung kịp thời thì chỉ vấp té nhẹ hay gắng sức một chút cũng có thể dẫn đến gãy xương phải điều trị lâu dài”. Lập tức, bà đăng ký mua sản phẩm sữa canxi. Tuy nhiên, nỗi lo cứ ám ảnh khiến bà hoang mang, bà quyết định đi khám và bác sĩ kết luận mật độ xương của bà vẫn ở mức bình thường. Hơn thế, từ khi uống loại sữa “giàu canxi” bà hay đau bụng, khó tiêu, bác sĩ khuyên hãy dừng uống.
GS.TS Trần Ngọc Ân - chủ tịch Hội Thấp khớp VN - cho biết không chỉ ở các trung tâm thương mại, hình thức siêu âm đo mật độ xương còn phổ biến ở nhiều xã, phường theo tuyến y tế cơ sở hay các câu lạc bộ thể dục, dưỡng sinh... “Đo xương xong là họ tư vấn tẩm bổ xương ngay bằng bánh, sữa canxi của hãng này, hãng kia. Đây là hành động thiếu lành mạnh, gây lo lắng và tốn kém trong cộng đồng”. Các máy siêu âm đi kèm chiêu thu phí ít hoặc miễn phí không cho kết quả tin cậy, chỉ “mua lo” vào người.
Đó là những loại máy rẻ tiền, chỉ đo được một số vị trí ngoại biên như gót chân, cổ tay, không có ý nghĩa đại diện cho toàn bộ xương của cơ thể. Chưa kể máy siêu âm thường dừng lại ở việc đo phản xạ rìa ngoài, không xác định được mật độ bên trong của xương, thậm chí không đủ yếu tố để kết luận đúng tình trạng xương ngay vị trí được đo. Máy này chỉ có tác dụng điều tra, sàng lọc tổng thể ở cộng đồng, không thể là cơ sở để chẩn đoán, chỉ định dùng thuốc và các chế phẩm của canxi được. Tốt nhất là nên đến các đơn vị y tế có máy đo mật độ xương năng lượng kép DEXA để biết được chính xác tình trạng sức khỏe của xương.
Sữa canxi: không phải là “thần dược”
Tại Hà Nội, hiện một số cơ sở y tế trang bị máy DEXA cho kết quả đo chính xác về mật độ xương và mức độ loãng xương: Bệnh viện E, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện Tràng An, Bệnh viện Phụ sản trung ương, Bệnh viện K... Chi phí một lần đo tại một vị trí khoảng 120.000-150.000 đồng. Với những trường hợp cần đo cả ở chỏm xương đùi và cột sống, giá thành sẽ là 200.000 đồng/người. Sau 5-7 phút, bạn sẽ nhận được kết quả và tư vấn cụ thể về tình trạng sức khỏe thật sự của xương.
GS.TS Trần Ngọc Ân cũng cho hay nhiều phụ nữ đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai có cảm giác hoang mang vì muốn phòng ngừa bệnh loãng xương thì phải uống nhiều sữa được quảng cáo là giàu canxi nhưng cứ dùng sữa là thấy khó tiêu, đau bụng. Theo GS Ân, trên thực tế, do đặc điểm thể trạng, có đến 80% người VN cơ thể thiếu men tiêu sữa, không hấp thụ được sữa, các sản phẩm từ sữa, có cố uống cũng chẳng tác dụng gì. Cho nên nguồn bổ sung canxi tốt nhất là trong thức ăn. Tép moi, tôm đồng, cá hầm nhừ xương, vừng, bánh đúc (có vôi), trầu không... đều chứa hàm lượng canxi đủ khả năng đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng hằng ngày.
Cũng theo GS.TS Trần Ngọc Ân, nhiều bệnh nhân bị loãng xương với tình trạng mật độ xương rất thấp là hệ quả của một quá trình dài sử dụng một số thuốc chữa hen phế quản, thấp khớp... có chứa cortizone làm mất chất vôi gây loãng xương. Với những loại thuốc này khi dùng để điều trị, bệnh nhân cần được tư vấn sử dụng thêm vitamin D3 và canxi để ngừa loãng xương. Rất nhiều bệnh nhân trong số này mắc bệnh loãng xương sau khi dùng các thuốc dạng “hổ cốt hoàn”, “thấp khớp hoàn” của các thầy lang!
TS Vũ Thị Thanh Thủy, phó trưởng khoa cơ xương khớp Bệnh viện Bạch Mai, cho hay tại khoa xương khớp số bệnh nhân loãng xương phải nằm viện điều trị do mật độ xương quá thấp luôn chiếm đến 1/3 số bệnh nhân nội trú. Gần đây, số người loãng xương ở độ tuổi dưới 50 xuất hiện nhiều hơn. TS Thủy cho rằng cơ bản là người trẻ phải tích cực vận động để xương chắc khỏe, phòng ngừa nguy cơ loãng xương sau này.
Theo Ngọc Hà
Tuổi trẻ