Dinh dưỡng cho người bệnh chưa được chú trọng!
(Dân trí) - Nhiều nghiên cứu lâm sàng cho thấy tỷ lệ bệnh nhân thiếu dinh dưỡng ở nhiều quốc gia, từ tiên tiến như Canada Hà Lan cho tới Việt Nam, đều ở mức cao. Điều này đồng nghĩa với nguy cơ tử vong, biến chứng tăng cao, nằm viện kéo dài thêm…
Khi bệnh nhân nằm viện, bác sĩ thường chỉ quan tâm tới chẩn đoán, thuốc, thủ thuật, phẫu thuật mà rất ít chú trọng tới dinh dưỡng của người bệnh.
Nghiên cứu tại Canada năm 2003 cho thấy bệnh nhân nằm tại khoa Săn sóc đặc biệt (ICU) trên 3 ngày không được hỗ trợ dinh dưỡng. Những bệnh khác được hỗ trợ dinh dưỡng cũng chỉ nhận được 56-62% năng lượng và protein cần thiết trong 12 ngày đầu điều trị.
Nghiên cứu năm 2002 tại các khoa Chăm sóc đặc biệt tại Hà Lan cho thấy 41% bệnh nhân cần được hỗ trợ dinh dưỡng nhưng không được cung cấp đủ các chất dinh dưỡng theo nhu cầu.
Nghiên cứu cùng năm tại Singapore cho thấy 64.3% cung cấp nhiều calories hơn mức cần thiết; 98% được cung cấp amino acid thấp hơn khuyến cáo; 81% được cung cấp Glocose thấp hơn khuyến cáo.
Còn tại Việt Nam, điều tra cắt ngang 95/300 bệnh nhân vào bệnh viện Bạch Mai trong giai đoạnh từ tháng 8 đến tháng 12/2010 cho thấy tỉ lệ suy dinh dưỡng lên tới 65% (BMI < 18,5) trong đó suy dinh dưỡng vừa và nặng là chủ yếu và 65% suy dinh dưỡng (chủ yếu là nhẹ) khi ra viện.
Thậm chí, nhiều bác sĩ còn tuỳ tiện, lạm dụng trong hỗ trợ dinh dưỡng cho người bệnh, dẫn đến những tai biến trong truyền dinh dưỡng qua mạch… BS cao cấp Đinh Thị Kim Liên, Giám đốc TT Dinh dưỡng lâm sàng Bạch Mai, chia sẻ, đã có những trường hợp vào viện trong tình trạng suy kiệt, bác sĩ nhanh chóng và cấp tập truyền tới 3-4 loại dinh dưỡng vào đường tĩnh mạch, giúp bệnh nhân tỉnh táo trong vòng 15 phút nhưng chỉ 15 phút sau bệnh nhân đã tử vong, rối loạn điện giải.
Hậu quả là 1 tỉ lệ rất cao người bệnh nằm viện bị suy dinh dưỡng và kéo theo đó là khả năng khó hồi phục khối cơ, tình trạng bệnh nặng lên.
Tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân được cải thiện nhiều nhờ chế độ dinh dưỡng phù hợp, tiết kiệm chi phí với sự hỗ trợ của TT Dinh dưỡng lâm sàng của bệnh viện Bạch MaiDo đó, ngay sau các nghiên cứu này, các bệnh viện trên thế giới ngày càng chú trọng đến chuyện nuôi dưỡng người bệnh, có những đánh giá trình trạng dinh dưỡng ngay trong 24 giờ tính từ khi người bệnh vào viện; tính toán năng lượng và thành phần các dưỡng chất cho từng thời điểm điều trị; truyền dinh dưỡng qua đường tiêu hoá được ưu tiên nếu hệ tiêu hoá còn hoạt động, sau đó mới đến đường tĩnh mạch vì truyền dinh dưỡng qua đường tiêu hoá là con đường sinh lý nhất, dễ làm nhất, hiệu quả nhất và rẻ tiền nhất.
Và việc nuôi dưỡng bệnh nhân tại bệnh viện Bạch Mai hiện khá phong phú, từ các xuất ăn thông thường đến dạng súp dinh dưỡng ăn qua đường xông do Trung tâm dinh dưỡng tự xây dựng, chế biến hay đơn giản hơn, nhanh chóng hơn là các loại sản phẩm nuôi dưỡng, đặc hiệu cho từng loại bệnh khác nhau của các nhà sản xuất có thương hiệu như Medifood, Fresenius, B/Braun… với mức chi phí từ bình dân, tới cao cấp, đáp ứng khả năng chi trả của người bệnh và gia đình.
Trần Phương