Điều trị các bệnh dịch dễ gặp mùa mưa lũ theo y học cổ truyền

Hà An

(Dân trí) - Trong và sau mưa bão, lũ lụt, vô số các vi sinh vật, chất thải, rác bẩn… theo dòng nước lan tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh như tả, lỵ, thương hàn, viêm da...

Các bệnh đường tiêu hóa

Bệnh tiêu hóa liên quan đến mưa lũ thường là tiêu chảy do các tác nhân hàn, nhiệt, thấp, độc. Theo y học cổ truyền, tiêu chảy thuộc chứng tiết tả.

Tiêu chảy do hàn thấp

- Nguyên nhân thường do nhiễm lạnh. Gió, bão, mưa, lụt có thể gây nhiễm lạnh nếu tiếp xúc, dẫn đến tiêu chảy.

- Triệu chứng: Đau đầu, đau người, đau bụng, sôi bụng, tiêu chảy, sợ gió, sợ lạnh, rêu lưỡi trắng dày, tiểu tiện ít, mạch nhu hoãn hoặc phù hoãn.

- Phương thuốc:

Bài 1: Sa nhân 8gr, rau má sao 10gr, hoắc hương 8gr, hương phụ 8gr, bạch biển đậu 12gr, xa tiền tử 8gr, gừng 2gr. Sắc uống ngày một thang.

Bài 2: Hoắc hương 12gr, sa nhân 8gr, nam mộc hương 8gr, trần bì 8gr, nam hậu phác 10gr, hương phụ 8gr, hạt vải 8gr. Sắc uống ngày một thang.

Bài 3: Hoắc hương 40gr, hậu phác 12gr, tô diệp 10gr, trần bì 6gr, cát cánh 10gr, gừng 4gr, bạch chỉ 10gr, đại táo 12gr, đại phúc bì 12gr, bạch truật 10gr, phục linh 8gr, bán hạ chế 6gr, cam thảo 6gr. Tán bột, ngày uống 16-20gr.

Điều trị các bệnh dịch dễ gặp mùa mưa lũ theo y học cổ truyền - 1

Ô nhiễm môi trường sau mưa lũ tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh (Ảnh minh họa: Trần Thanh).

Tiêu chảy do thấp nhiệt

- Nguyên nhân do nhiễm trùng các vi sinh vật.

- Triệu chứng: Đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy nhiều lần, phân sống có mùi khó chịu, rát hậu môn, tiểu tiện ítđỏ...

- Phương thuốc:

Bài 1: Bạch biển đậu 20gr, sa nhân 12gr, thảo quả 12gr, ô mai 12gr, cát căn 12gr, cam thảo 6gr. Tán bột, làm thành viên, mỗi ngày uống 20gr với nước chè đặc.

Bài 2: Cát căn 12gr, kim ngân hoa 12gr, mã đề 10gr, rau má sao 12gr, cam thảo dây 10gr, hậu phác 12gr, hoàng liên 10gr. Sắc uống ngày một thang.

Bài 3 (Cát căn cầm liên thang gia giảm): Cát căn 12gr, hoàng liên 8gr, hoàng cầm 12gr, nhân trần 20gr, kim ngân hoa 16gr, cam thảo 6gr. Sắc uống ngày một thang.

Kiết lỵ cấp tính do thấp nhiệt

- Nguyên nhân do nhiễm amip cấp tính, phân có nhày máu.

- Triệu chứng: Đau quặn bụng, mót rặn, đại tiện ra nhày máu, sốt, sợ lạnh, miệng khô đắng dính, tiểu tiện ngắn đỏ...

- Phương thuốc:

Bài 1 (Viên khổ luyện đại hoàng): Khổ luyện tử 20gr, hoàng liên gai 20gr, hạt dưa hấu 20gr, bồ kết 20gr, binh lang 20gr, đại hoàng 20gr. Tán bột, ngày uống 20gr chia 2 lần.

Bài 2: Hoàng cầm 12gr, hoàng liên 12gr, bạch thược 8gr, đương quy 8gr, mộc hương 6gr, binh lang 6gr, cam thảo 6gr, đại hoàng 4gr. Sắc uống ngày một thang.

Kiết lỵ do hàn thấp

- Nguyên nhân do lỵ amip bán cấp, phân nhiều chất nhày, ít máu.

- Triệu chứng: Đại tiện ra nhày nhiều, máu ít, bụng đau liên miên, mót rặn, rêu lưỡi trắng dày…

- Phương thuốc:

Bất hoàn kim chính thang: Hậu phác 6gr, trần bì 6gr, mộc hương 6gr, sa nhân 6gr, hoắc hương 8gr, nhục quế 4gr, thương truật 12gr, bán hạ chế 8gr, đại táo 12gr, gừng 4gr. Sắc uống ngày một thang.

Kiết lỵ do dịch độc

- Triệu chứng: Bệnh phát ra đột ngột, cấp tính, đại tiện ra máu nhiều, sốt cao, vật vã, rêu lưỡi vàng dày, chất lưỡi đỏ, mạch tế sác. Trường hợp nặng có thể hôn mê, co giật, trụy mạch.

- Phương thuốc:

Bài 1: Rau sam 400gr, hạt cau 400gr, lá mơ lông 100gr, củ phượng vĩ 100gr, cỏ sữa lá nhỏ 400gr. Tán bột, dùng 20gr mỗi ngày.

Bài 2: Phèn đen 20gr, nam mộc hương 10gr, củ phượng vĩ 20gr. Sao đen, sắc đặc, uống ngày một thang.

Bài 3: Cỏ nhọ nồi 50gr, chỉ xác 20gr, rau sam 40gr, hạt cau 20gr, trắc bách diệp 20gr, nam mộc hương 20gr, hoa hòe 20gr. Tán bột, ngày dùng 20gr uống với nước vối.

Bài 4 (Bạch đầu ông thang gia giảm): Bạch đầu ông 40gr, trần bì 12gr, hoàng liên 4gr, hoàng bá 12gr, đan bì 12gr, kim ngân hoa 12gr, địa du 20gr, xích thược 12gr, chỉ xác 8gr, mộc hương 8gr. Sắc uống ngày một thang.

Điều trị các bệnh dịch dễ gặp mùa mưa lũ theo y học cổ truyền - 2

Trong và sau mưa bão, lũ lụt, vô số các vi sinh vật, chất thải, rác bẩn… theo dòng nước lan tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường (Ảnh: D.T).

Các bệnh cảm mạo, hô hấp

Phong hàn

- Các bệnh thường gặp như viêm phế quản, hen phế quản, viêm thanh quản, viêm mũi dị ứng…

- Triệu chứng: Ho, khò khè, đàm trắng, miệng không khát, chảy nước mũi, ngạt mũi, sợ lạnh, phát sốt, rêu lưỡi mỏng, mạch phù.

- Phương thuốc:

Bài 1 (Hạnh tô tán): Hạnh nhân 12gr, bán hạ chế 6gr, bạch linh 12gr, chỉ xác 8gr, tô diệp 8gr, tiền hồ 8gr, cát cánh 12gr, quất bì 8gr, cam thảo 4gr, đại táo 12gr, gừng tươi 3 lát. Sắc uống ngày một thang.

Bài 2: Tía tô 12gr, lá hẹ 10gr, kinh giới 10gr, trần bì 6gr, xuyên khung 6gr, bạch chỉ 8gr, rễ chỉ thiên 8gr. Sắc uống ngày một thang.

Bài 3 (Chỉ khái tán): Hạnh nhân 12gr, cát cánh 8gr, tiền hồ 12gr, tử uyển 12gr, cam thảo 4gr. Trường hợp đờm nhiều, rêu lưỡi trắng gia thêm bán hạ chế 12gr, trần bì 8gr. Nếu bị hen suyễn thì chúng ta bỏ cát cánh, thêm ma hoàng 6gr. Sắc uống ngày một thang.

Phong nhiệt

- Triệu chứng: Ho, miệng khát, họng đau, đờm vàng, sốt ra mồ hôi, nước mũi đặc, chất lưỡi đỏ, mạch phù sác.

- Phương thuốc:

Bài 1: Tang diệp 16gr, rễ cây chanh 8gr, tang bạch bì 12gr, bán hạ chế 6gr, bạc hà 8gr, cúc hoa 8gr, rau má 12gr, xạ can 4gr, lá hẹ 8gr, rễ chỉ thiên 8gr. Sắc uống ngày một thang.

Bài 2 (Tang hạnh thang gia giảm): Tang diệp 12gr, hạnh nhân 8gr, bối mẫu 4gr, sa sâm 8gr, chi tử 8gr, tiền hồ 8gr, tang bạch bì 8gr, cam thảo 6gr. Sắc uống ngày một thang.

Bài 3 (Tang cúc ẩm gia giảm): Tang diệp 12gr, cúc hoa 12gr, liên kiều 12gr, bạc hà 6gr, ngưu bàng tử 12gr, cát cánh 8gr, hạnh nhân 12gr, tiền hồ 12gr, cam thảo 4gr. Nếu đờm nhiều vàng dính, sốt cao bỏ tang diệp, cúc hoa, bạc hà, ngưu bàng; gia hoàng cầm 12gr, ngư tinh thảo 20gr. Sắc uống ngày một thang.

Bài 4: Kim ngân hoa 20gr, sài đất 20gr, bồ công anh 20gr, kinh giới 16gr, tang bạch bì 20gr, hạnh nhân 8gr, cỏ mần trầu 16gr, trúc nhự 8gr. Sắc uống ngày một thang.

Bài 5 (Ngân kiều tán gia giảm): Kim ngân hoa 16gr, liên kiều 16gr, ngưu bàng tử 12gr, cát cánh 8gr, tiền hồ 8gr, đậu xị 12gr, bạc hà 12gr, bối mẫu 6gr. Nếu sốt, sợ lạnh thêm kinh giới 8gr; đau ngực thêm bạch thược 8gr, uất kim 8gr; sốt cao thêm hoàng cầm 12gr, chi tử 12gr. Sắc uống ngày một thang.

Khí táo

- Triệu chứng: Ho khan, ít đờm, mũi khô, họng khô, sốt, đau đầu, đau người, lưỡi đỏ khô, mạch phù sác.

- Phương thuốc:

Bài 1: Tang bạch bì 12gr, mạch môn 12gr, trúc diệp 12gr, lá hẹ 8gr, sa sâm 12gr, thạch cao 16gr, thiên môn 12gr, hoài sơn 12gr. Sắc uống ngày một thang.

Bài 2 (Thanh táo cứu phế thang gia giảm): Tang diệp 12gr, thạch cao 12gr, cam thảo 16gr, mạch môn 12gr, tỳ bà diệp 12gr, hạnh nhân 8gr, gừng 4gr, a giao 8gr, đảng sâm 16gr. Sắc uống ngày một thang.

Khi bệnh mới cảm nhiễm, cần điều trị sớm để tránh tà khí vào sâu trong tạng phủ dẫn đến nặng hơn, lâu ngày khiến cho công năng tạng phủ suy giảm, trở nên mạn tính (hư chứng). Người bệnh cần được thăm khám để xác định rõ thể bệnh, chứng bệnh, từ đó sẽ có phương pháp điều trị phù hợp.

Bệnh ngoài da

Bệnh ngoài da thường gặp mùa mưa lũ như viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc, dị ứng, mụn nhọt…

Căn cứ vào các triệu chứng, có thể chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh và cách chữa các bệnh ngoài da có thể gặp mùa mưa lũ như sau:

- Ngứa phần nhiều do phong gây ra: Thường dùng các thuốc trừ phong như kinh giới, phòng phong, bạc hà, ngưu bàng tử, cương tàm, toàn yết, ké đầu ngựa, uy linh tiên...

- Da đỏ, nóng rát thường do nhiệt gây ra, được dùng các thuốc thanh nhiệt để chữa. Nếu do nhiễm trùng gây mủ thì dùng các thuốc thanh nhiệt giải độc: Kim ngân, bồ công anh, sài đất, liên kiều... Nếu do viêm nhiễm không sinh mủ thì dùng các thuốc thanh nhiệt tả hỏa như: Thạch cao, chi tử, lá tre...

Nếu da đỏ và nóng rát thì dùng các thuốc thanh nhiệt lương huyết như: Sinh địa, huyền sâm, địa cốt bì...

Ngoài ra có các nốt phỏng nước, phù nề, thấm dịch chảy nước vàng... dùng các thuốc thanh nhiệt táo thấp có tính vị đắng lạnh như: Hoàng bá, khổ sâm, hoàng liên... phối hợp với các thuốc thanh nhiệt, lợi thấp như: Xa tiền tử, hoạt thạch, nhân trần... để chữa.

Nếu da khô, nứt nẻ, dày da, tróc vảy, lông tóc khô rụng... thường do huyết táo gây ra, dùng các thuốc dưỡng huyết nhuận táo để chữa như: Bạch thược, sinh địa, hà thủ ô, cỏ nhọ nồi...

Nếu có ban chẩn, nổi cục, ứ huyết ở da, thường do huyết ứ sinh ra, dùng các thuốc hoạt huyết để chữa như: Đan sâm, tạo giác thích, đào nhân...

Trên thực tế lâm sàng, các triệu chứng hay xuất hiện cùng một lúc với nhau như chảy nước vàng (do thấp nhiệt), ngứa sưng đau (do phong và huyết ứ). Nguyên nhân là do các nguyên nhân kết hợp với nhau gây bệnh như phong thấp nhiệt, huyết ứ…

Khi chữa phải phối hợp các phương pháp và các thuốc chữa bệnh với nhau cho phù hợp với bệnh cảnh lâm sàng.

Ngoài thuốc uống bên trong, các dạng thuốc dùng ngoài da của y học cổ truyền rất phong phú, bao gồm:

- Thuốc bột: Gồm các vị thuốc sát trùng, thu sáp, chống viêm, chống ngứa như hoạt thạch, thanh đại, phèn phi...

- Thuốc nước: Dùng để băng rửa vết thương có tác dụng tiêu viêm trừ mủ, thu sáp... như nước lá xoan, nước xà sàng tử, nước lá nhội...

- Thuốc ngâm rượu: Có tác dụng tiêu độc, chống ngứa, chống ứ huyết ở cục bộ như rượu, thuốc xà sàng tử, tô mộc, long não…

- Thuốc mỡ: Thuốc để sát trùng tiêu độc, làm mềm da, gồm các vị thuốc thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm, nhuận táo, như hoàng liên, gấc, hạt bí, nghệ, tử thảo…

- Cao dán: Cao lá mềm băng và dán vào tổn thương ở mặt da.

- Thuốc ngâm: Thuốc để ngâm tắm toàn thân hoặc ngâm vùng bị bệnh (chân, tay), sử dụng các vị thuốc thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm như sài đất, kim ngân, tía tô, thương nhĩ tử, bồ công anh, tràm gió, hương nhu…

Tiến sĩ - Lương Y Phùng Tuấn Giang

Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển Y dược Cổ truyền Việt Nam

Chủ tịch Tổ chức quốc tế Chữa bệnh bằng liệu pháp thiên nhiên tại Việt Nam