Điều trị bệnh tự kỷ: Quá nhiều "trường phái"

Theo dự đoán của các chuyên gia, Việt Nam có tới 160.000 người mắc chứng tự kỷ. Tuy nhiên, làm sao để phát hiện sớm và điều trị đúng cách cho trẻ mắc bệnh không dễ. Lý do là đang có nhiều “trường phái” điều trị(!).

Số trẻ mắc bệnh tăng

 

N.V.C. là bệnh nhân lớn nhất (13 tuổi) trong số 60 trẻ mắc chứng tự kỷ đang được điều trị tại Trung tâm Sao Mai, Hà Nội. Mới đến Sao Mai 2 tháng, C. có thể nói bập bẹ vài câu và thực hiện được một số yêu cầu đơn giản của giáo viên như kê ghế, chào hỏi, nắm tay... Nhiều “bạn học” của em đã lớn tướng cũng đang phải bắt đầu học phát âm, thậm chí tập bò như em bé mới sinh. “Trước đây hai tháng, em hầu như chưa nói được gì” - giáo viên của C. cho biết.

 

Bác sĩ Đỗ Thúy Lan, giám đốc Trung tâm Sao Mai, cho biết số trẻ mắc chứng tự kỷ đến trung tâm ngày càng tăng. “Mỗi tháng có khoảng 20 - 30 trẻ đến phòng khám của trung tâm, 60-70% trong số đó mắc chứng tự kỷ. Trong khi cách đây vài năm, cả 2 cơ sở của Sao Mai chỉ có mười bệnh nhân. Lý do là ngày càng có nhiều bậc cha mẹ có thông tin về bệnh tự kỷ, còn trước đây họ thường tưởng con mình chậm nói, ít giao tiếp...” - bác sĩ Lan lý giải.

 

Hội chứng tự kỷ là tình trạng rối loạn phát triển lan tỏa từ khi mới sinh và biểu hiện rõ sau 36 tháng tuổi. Đặc trưng của hội chứng này là trẻ gặp khó khăn trong tiếp xúc xã hội, ngôn ngữ (không biết nói), các mối quan tâm và quan hệ của trẻ hạn chế, lặp đi lặp lại, không linh hoạt và kém tưởng tượng.

 

Trẻ được coi là mắc chứng tự kỷ khi có các dấu hiệu: chậm phát triển ngôn ngữ, sắp 3 tuổi mà chưa biết hóng chuyện, không bi bô. Có trẻ đã biết nói nhưng đến 18 tháng tuổi mất dần ngôn ngữ (hiện tượng thoái hóa ngôn ngữ). Từ bé không thích được cha mẹ, người thân ôm ấp, vuốt ve mà thích chơi một mình. Về hành vi, có trẻ không thích chơi đồ chơi phù hợp lứa tuổi mà suốt ngày chơi với một mảnh bìa, một con thú bằng nhựa, mắt hay nhìn xa vắng. Về giác quan, nhiều trẻ có dấu hiệu nhạy cảm quá mức, có thể la hét hoặc khó chịu một cách bất thường với tiếng động, hay đi nhón chân và xoắn vặn hai tay...

“Nguyên nhân dẫn đến tự kỷ có thể là rối loạn gen, các sang chấn sọ não trong khi mang thai và sinh nở, bị nhiễm trùng, nhiễm độc... Điều quan trọng là người mẹ phải nhận diện được triệu chứng và cho con đi khám sớm. Sau đó là vượt qua cú sốc khi con mình được chẩn đoán tự kỷ để bắt đầu trị liệu ngay cho trẻ” - bác sĩ Lan chia sẻ.

 

Ngoài ra, rất nhiều trẻ bị tự kỷ chỉ được đi điều trị khi đã 6 - 7 tuổi, thậm chí 12 - 13 tuổi. Khảo sát hơn 200 trẻ mắc bệnh được đưa đi khám trong thời gian qua, bà Lan cho biết gần 1/2 đi khám muộn và 1/4 thuộc loại quá muộn. Trong khi thời điểm can thiệp hiệu quả nhất là lúc trẻ 18 tháng - 3 tuổi.

 

“Phát hiện và can thiệp sớm hết sức quan trọng, nhằm hạn chế tối đa khuyết tật trở thành tàn tật. Nếu trẻ mắc bệnh mức độ nhẹ, phát hiện sớm, điều trị đúng cách thì khả năng hòa nhập với môi trường bình thường là rất cao” - bà Lan cho biết.

 

Nhiều “trường phái” điều trị

 

Tại Hà Nội, hiện đang có 3 cơ sở chăm sóc và điều trị trẻ mắc chứng tự kỷ là Sao Mai, Hy Vọng và Phúc Tuệ. Tuy nhiên, tổng số trẻ đang được chăm sóc và điều trị ở cả 3 trung tâm khoảng 200 em, đến từ nhiều tỉnh thành phía Bắc. Số trẻ mắc bệnh còn lại đang được điều trị ở nhà, người trị liệu là cha mẹ, người thân và một số giáo viên không chuyên. Số giáo viên không chuyên này chủ yếu tự học qua sách vở, tài liệu, thậm chí học truyền miệng qua những người đã có con mắc bệnh! Trong khi đó, theo bác sĩ Lan, đặc trưng của mỗi trẻ khác nhau và cần có cách trị liệu riêng cho từng trẻ.

 

Chính vì lý do nói trên, kết quả điều trị cho trẻ tự kỷ ở Hà Nội hiện chưa cao. Có trẻ được phát hiện sớm (trước 3 tuổi) và điều trị hàng năm vẫn chưa có khả năng nói những từ đơn giản. Chưa kể do ngành giáo dục chưa có mô hình giáo dục cho trẻ chậm phát triển trí tuệ, trong đó có nhóm trẻ tự kỷ, nên một số bé mắc chứng tự kỷ nhẹ, được trị liệu hiệu quả lại khó có thể hòa nhập ngay với các bạn bình thường, ở trường học bình thường. Do đó nguy cơ mắc chứng tự kỷ trở lại là rất cao.

 

Khoảng 70% trẻ tự kỷ có kèm theo chậm phát triển trí tuệ, 30% còn lại trí tuệ hoàn toàn bình thường, thậm chí có một số em còn là thiên tài. Bệnh viện Nhi TƯ đã từng tiếp nhận một trẻ tự kỷ biết đọc vanh vách từ lúc 2 - 3 tuổi, rất thông minh nhưng có dấu hiệu khác thường mà gia đình không để ý, nay cháu đã học đến lớp 8 nhưng lại không thể theo kịp các bạn bình thường.

 

Theo các chuyên gia, dịch vụ chăm sóc và giáo dục trẻ tự kỷ hiện chủ yếu do một số cá nhân và tổ chức phi chính phủ thành lập, chất lượng rất khác nhau. Chẩn đoán và điều trị cho nhóm trẻ này cũng... mỗi nơi một cách. Có nơi yêu cầu các cháu phải được chụp CT, trong khi chỉ cần đo điện não và trắc nghiệm tâm lý là đủ; có nơi kê cho các cháu vô số thuốc bổ não không cần thiết. “Can thiệp là giúp trẻ cách tự chăm sóc bản thân, học kỹ năng sống tự lập, phát triển ngôn ngữ, giao tiếp và hòa nhập tùy khả năng mỗi trẻ. Muốn can thiệp thành công, cần có sự phối hợp giữa y tế (bác sĩ chuyên khoa nhi, tâm thần nhi) và giáo dục (giáo viên chuyên biệt, nhà trị liệu tâm lý...)” - một chuyên gia đề xuất.

 

Nhưng muốn làm điều đó và hạn chế khuyết tật cho các cháu, cơ quan chức năng không thể phó mặc hoàn toàn cho người thân của trẻ, điều đang diễn ra hiện nay.

 

Theo Lan Anh

Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm