Điều tra dinh dưỡng toàn quốc: Chiều cao người Việt tăng hơn kỳ vọng
(Dân trí) - GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, kết quả sơ bộ điều tra dinh dưỡng người Việt vừa được thực hiện cho thấy chiều cao người Việt trẻ có tăng trưởng tốt.
Sáng 21/7, chia sẻ tại sự kiện đưa vào vận hành hệ thống Trung tâm dinh dưỡng - Y học vận động cho trẻ em và người lớn đầu tiên ở miền Bắc, GS.TS Lê Danh Tuyên đánh giá chiều cao người Việt đang có bước tăng trưởng hơn kỳ vọng.
Theo đó, cuộc tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc do Viện Dinh dưỡng và các đơn vị liên quan thực hiện trên 22.000 người cho thấy chiều cao của người Việt trẻ đã có sự cải thiện rõ rệt.
"Tôi có thể nói dẫn chứng là các cầu thủ U23 Việt Nam. Cầu thủ của chúng ta không còn "bé hạt tiêu", mà nhiều cầu thủ có chiều cao vượt trội hơn cả các đội bạn khu vực Đôgn Nam Á", GS Tuyên nói.
Tuy nhiên, GS Tuyên cho biết, đây mới chỉ là kết quả sơ bộ được thực hiện với 22.000 người Việt ở các vùng miền gồm cả trẻ em dưới 5 tuổi, học sinh các cấp học và người trưởng thành. Kết quả đang được tổng hợp, phân tích và sẽ công bố cụ thể trong thời gian sớm nhất.
"Vì thế, chưa thể nói chính xác về mức tăng trưởng chiều cao của người Việt trẻ, nhưng sơ bộ là tăng hơn kỳ vọng", GS Tuyên nói.
Trước đó, kết quả Tổng điều tra năm 2010 và điều tra giám sát dinh dưỡng hàng năm, chiều cao trung bình đạt được của thanh niên Việt Nam ở nhóm tuổi 20-24 là 164,4cm. Trong đó, chiều cao trung bình nữ giới là 153,6cm, đứng thứ 13 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới.
Với chiều cao trung bình này, Việt Nam đứng thứ 19 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới.
Các chuyên gia cho biết, trước đây, trong giai đoạn sau chiến tranh, đổi mới, chiều cao nam thanh niên tăng chậm, trung bình 1,1 cm mỗi thập kỷ. Tuy nhiên, từ sau năm 1990, trẻ em bắt đầu tăng chiều cao. Đặc biệt, năm 2000 đến nay, chiều cao nam đã tăng thêm 2,1 cm, nữ 1 cm.
Đây là mức tăng nhanh nếu so với các quốc gia khác trên thế giới. Với mức tăng trưởng chiều cao 2,1 cm trong vòng 10 năm qua, nhiều chuyên gia cho rằng chắc chắn chiều cao thanh niên Việt Nam các thế hệ sau sẽ tăng tiếp tục với tốc độ nhanh cơ sở của các nhà khoa học về niềm tin tăng trưởng chiều cao thanh niên nước nhà là hoàn toàn có căn cứ.
PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, một phần nguyên nhân khiến trẻ Việt Nam thấp bé, nhẹ cân là do thường xuyên không được cung cấp đủ dinh dưỡng giai đoạn 1.000 ngày đầu đời, dẫn đến suy dinh dưỡng hoặc thiếu vi chất.
"Giai đoạn 1000 đầu đời rất quan trọng đến việc phát triển thể lực, thể chất của trẻ sau này. Các yếu tố thiếu vi chất dinh dưỡng từ thiếu máu do thiếu sắt, thiếu kẽm, thiếu canxi... đều là những yếu tố gây tác động ảnh hưởng đến phát triển chiều cao. Vì thế, trong giai đoạn này, thai phụ và phụ nữ mới sinh, trẻ em cần được tư vấn dinh dưỡng để có chế độ dinh dưỡng phù hợp nhất", PGS Mai cho biết.
Vì thế, bà khuyến cáo, chế độ dinh dưỡng, vận động trong 1000 ngày đầu đời rất quan trọng, từ giai đoạn bà mẹ mang thai để trẻ không bị suy dinh dưỡng từ bào thai.
Trong giai đoạn dưới 5 tuổi, thiếu nhi và cả khi trưởng thành, một chế độ dinh dưỡng phù hợp, vận động phù hợp sẽ hỗ trợ phát triển chiều cao, thể lực tốt nhất.
Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011- 2030, với mục tiêu nâng chiều cao trung bình nam thanh niên 18 tuổi lên 167 cm vào năm 2020 (tăng 2,6 cm so với năm 2009), với nữ thanh niên mục tiêu tương ứng là 157 cm (tăng 3,4 cm); đến năm 2030 mục tiêu là nam thanh niên cao trung bình 168,5 cm, nữ 157,5 cm.