Điều cha mẹ cần biết khi có con bị sứt môi, hở hàm ếch

Nam Phương

(Dân trí) - Việc điều trị cho trẻ bị dị tật khe hở môi, vòm miệng là quá trình lâu dài. Ngày nay, việc can thiệp toàn diện gồm phẫu thuật, điều trị khiếm khuyết về giọng nói, nắn chỉnh răng… giúp trẻ tự tin hơn.

Sáng 4/6, tại Hà Nội, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội phối hợp phát động Chương trình hành động vì người bệnh khe hở môi - vòm miệng

PGS.TS Trần Cao Bính, Giám đốc Bệnh viện, Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam, cho biết, đến nay các nhà khoa học chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra dị tật này mà chỉ mới xác định một số yếu tố môi trường, dịch tễ, cá thể có liên quan, đặc biệt là phụ nữ mang thai 3 tháng đầu bị cúm. Nếu như trước kia việc điều trị cho trẻ chủ yếu là phẫu thuật thì nay toàn diện hơn.

Điều cha mẹ cần biết khi có con bị sứt môi, hở hàm ếch - 1

Từ 3 tháng tuổi, trẻ đã có thể phẫu thuật để chỉnh sửa dị tật khe hở môi - vòm miệng (Ảnh: N.P).

Cụ thể, theo PGS Bính, từ trước khi lập gia đình, chị em cần có kiến thức về sinh sản, đến khi có thai chẳng may siêu âm phát hiện thai nhi bị dị tật khe hở môi - vòm miệng thì cần có thái độ đúng. Trước đây, do vấn đề truyền thông mà nhiều người quyết định bỏ thai khi phát hiện con bị dị tật. Đây là điều hết sức đáng tiếc. 

Khi trẻ chào đời, chậm nhất 1 tháng sau sinh cha mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế để được điều trị trước phẫu thuật, đóng tạm khe hở tạo điều kiện sau này việc phẫu thuật sẽ tốt hơn. Đồng thời, người nhà cũng được tư vấn để cho trẻ bú, ăn đỡ bị sặc. Thông thường khi trẻ được 3 tháng tuổi là đã có thể phẫu thuật.  

Sau đó, trẻ sẽ được điều trị khiếm khuyết về giọng nói, điều trị ngữ âm trị liệu, để làm sao khi trẻ đi học không bị mặc cảm, dị nghị. Khi trẻ thay răng, cha mẹ cần chú ý vấn đề chăm sóc vì gần như 100% trẻ mắc dị tật này bị lệch răng cần phải nắn chỉnh răng, khi lớn hơn sẽ được phẫu thuật chỉnh hình xương (ít nhất là khi trẻ 18 tuổi). 

Điều cha mẹ cần biết khi có con bị sứt môi, hở hàm ếch - 2

PGS.TS Trần Cao Bính, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương hy vọng các nhà tài trợ sẽ hỗ trợ dài hơn cho trẻ bị dị tật khe hở môi - vòm miệng (Ảnh: N.P).

"Lịch khám, phẫu thuật miễn phí cho trẻ bị dị tật khe hở môi - vòm miệng tại Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương không chỉ một tháng mà là 365 ngày. Vì thế, các bậc cha mẹ có con bị dị tật này có thể hoàn toàn yên tâm", PGS Bính nhấn mạnh.

PGS Bính cũng kỳ vọng sẽ từng bước phối hợp với các tổ chức từ thiện nâng mức hỗ trợ, kéo dài hỗ trợ, việc điều trị cho trẻ cần kéo dài ít nhất đến năm 18 tuổi.

Điều cha mẹ cần biết khi có con bị sứt môi, hở hàm ếch - 3

Tại Việt Nam, cứ 500 trẻ em sinh ra thì có 1 em mắc các dị tật khe hở môi - vòm miệng (Ảnh: N.P).

"Chúng tôi chia sẻ, đồng cảm với các gia đình không may có con bị dị tật. Quá trình điều trị rất lâu dài, cần sự phối hợp của nhiều chuyên khoa, không chỉ răng hàm mặt mà cả hô hấp, dinh dưỡng. Với việc điều trị toàn diện, trẻ sẽ sớm hòa nhập với cộng đồng, không còn bị tự ti vì bị dị tật", PGS Bính nói. 

Tại Việt Nam, cứ 500 trẻ em sinh ra thì có 1 em mắc các dị tật khe hở môi - vòm miệng. Hàng năm có khoảng 3.000 em sinh ra bị dị tật này.

Dị tật khe hở môi - vòm miệng là dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt hay gặp. Trẻ có thể có khe hở môi hoặc vòm miệng, hoặc kết hợp cả hai. Dị tật này có thể gây ra các rối loạn trầm trọng cho trẻ như khó ăn - bú, hay bị sặc, dễ mắc các bệnh đường hô hấp, rối loạn phát âm, rối loạn tâm lý…