Điều cần biết để không còn lo sáng nào cũng hắt hơi, ngạt mũi

Hà An

(Dân trí) - Ngạt mũi buổi sáng là dấu hiệu của bệnh viêm mũi. 74% trong số này là viêm mũi dị ứng và liên quan nhiều tới các yếu tố dị nguyên ngay trên giường ngủ và phòng ngủ của bạn.

PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Bộ môn Tai Mũi Họng, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng ngạt mũi buổi sáng là dấu hiệu của bệnh viêm mũi. 74% trong số này là viêm mũi dị ứng.

Ngoài ra, 26% còn lại là viêm mũi vận mạch, tức là do sự thay đổi của nhiệt độ, áp suất khí quyển, từ trường vào thời điểm buổi sáng làm cho các thần kinh giao cảm tác động lên cuốn dưới khiến các mạch máu của cuốn dưới giãn ra, cuốn dưới nở to và che lấp khe thở gây ngạt. 

Điều cần biết để không còn lo sáng nào cũng hắt hơi, ngạt mũi - 1

Cần xác định rõ nguyên nhân dẫn đến viêm mũi để có hướng điều trị phù hợp (Ảnh minh họa: Natural).

Vậy yếu tố tiên quyết là tìm ra một trong hai nguyên nhân này.

Ngạt mũi do viêm mũi dị ứng

Nếu không phải do cảm cúm thì một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ngạt mũi vào buổi sáng là viêm mũi dị ứng. Những tác nhân thường gặp có thể gây dị ứng trong phòng ngủ là mạt bụi, nấm mốc và lông thú cưng...

Một tác nhân khác cũng có thể gây dị ứng, dẫn đến ngạt mũi đó là phấn hoa.

Bạn có thể thực hiện một số điều sau để khắc phục tình trạng này:

- Làm sạch dị nguyên tại phòng ngủ, giường ngủ

Bạn hãy hút bụi của phòng, giường, thay ga (chiếu), vỏ chăn, gối... hằng ngày.

- Sử dụng các thuốc chống dị ứng (các kháng histamin H1)

Thuốc kháng histamin là những thuốc ngăn chặn histamin được giải phóng từ các phản ứng dị ứng trong cơ thể, qua đó ngăn phản ứng dị ứng và làm hết triệu chứng. Các thuốc có thể dùng như promethazin, loratadin, fexofenadine..., tùy theo tình trạng và đáp ứng với thuốc kháng histamin để lựa chọn. 

Theo PGS Đào, nếu đáp ứng tốt, bạn có thể duy trì thuốc 2-4 tuần. Tuy nhiên, vì thuốc kháng histamin có những tác dụng phụ như mệt mỏi, ngủ gà, khô miệng, táo bón...

Nặng nề hơn có thể gây phản ứng trên hệ tim mạch như rối loạn nhịp, nhịp nhanh..., trên hô hấp gây ức chế hô hấp, khó ho khạc đờm nên dễ nhiễm trùng tiến triển nặng. 

Vì thế, tốt nhất bạn nên dùng thuốc theo chỉ định và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng.

- Tăng cường miễn dịch

Nhiều nghiên cứu cho rằng, dị ứng biểu hiện thành bệnh khi cơ thể suy giảm sức đề kháng. Do đó, bạn nên tăng cường sức đề kháng bằng những loại hình thể thao phù hợp với lứa tuổi và tình trạng sức khỏe.

- Liệu pháp giải mẫn cảm đặc hiệu

Phương pháp này chỉ sử dụng khi bạn không đáp ứng với các thuốc kháng histamin hoặc xuất hiện tình trạng quen thuốc. Người ta sẽ test các dị nguyên và cố gắng xác định loại dị nguyên mà bạn mắc phải để sử dụng thuốc với nồng độ loãng dần dạng tiêm trong vòng 2-5 năm.

- Thay đổi môi trường sống

Đây là biện pháp lý tưởng tuy nhiên ít khi thực hiện được.

Ngạt mũi do viêm mũi vận mạch

Nếu bạn bị viêm mũi vận mạch thì có thể dùng thuốc điều trị tình trạng vận mạch như zyrtec uống và làm ấm niêm mạc mũi.