Điểm khác biệt giữa ung thư ở người lớn và trẻ em

(Dân trí) - Không giống như ung thư ở người trưởng thành, ung thư ở trẻ em thường không có liên hệ mật thiết tới lối sống hay yếu tố môi trường.

Bệnh ung thư khởi phát khi các tế bào bắt đầu tăng sinh vượt quá sự kiểm soát của cơ thể. Hầu như bất kỳ tế bào nào trong cơ thể cũng có thể trở thành tế bào ung thư, và có thể phát tán ra các vùng khác nhau trên cơ thể.

Mặc dù cơ chế sinh bệnh trên là đúng với cả ung thư người lớn và trẻ em, vẫn có những khác biệt về loại ung thư thường chỉ có ở trẻ em, cũng như về phương pháp điều trị chúng.

Trẻ em và người lớn mắc các loại ung thư khác nhau

Các loại ung thư trẻ em mắc thường khác với những loại gặp ở người lớn. Không giống như ung thư ở người trưởng thành, ung thư ở trẻ em thường không có liên hệ mật thiết tới lối sống hay yếu tố môi trường. Và cũng chỉ có một phần nhỏ số ung thư trẻ em là do các biến đổi DNA (gene) di truyền từ bố mẹ.

Điểm khác biệt giữa ung thư ở người lớn và trẻ em - 1

Việc điều trị cho trẻ em thường có kết quả hơn

Trừ một vài ngoại lệ, ung thư ở trẻ em thường đáp ứng tốt với điều trị hơn ở người lớn. Điều này có thể do sự khác biệt về loại ung thư, hoặc do trẻ em thường được điều trị bằng các liệu pháp tích cực hơn. Ngoài ra, trẻ em thường không có bệnh lý nền như các bệnh nhân trưởng thành, bệnh nền có thể nặng lên trong khi điều trị. 

Các tác dụng phụ dài hạn được quan tâm nhiều hơn trong điều trị ung thư cho trẻ em

Mặt khác, cơ thể trẻ em vẫn đang trong giai đoạn phát triển, do đó khi được điều trị bằng một số liệu pháp cụ thể, các bệnh nhi dễ gặp các tác dụng phụ. Ví dụ, trẻ em (đặc biệt là ở tuổi rất trẻ) thường bị ảnh hưởng bởi xạ trị nhiều hơn. Nhiều phác đồ điều trị ung thư có thể có các tác dụng phụ dài hạn, do đó việc điều trị ung thư trên trẻ em cần được phối hợp với theo dõi thường xuyên suốt đời.

Khác biệt về các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây ra ung thư ở trẻ em

Lối sống và môi trường sống

Ở người trưởng thành, các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống, ví dụ như hút thuốc, thừa cân, lười vận động, chế độ ăn không hợp lý, uống nhiều rượu có vai trò quan trọng trong sự hình thành của nhiều loại ung thư. Tuy nhiên, các yếu tố về lối sống thường cần một khoảng thời gian dài để có thể gây ảnh hưởng đến nguy cơ mắc ung thư, do đó chúng được coi là không có vai trò quan trọng trong ung thư trẻ em.

Một vài yếu tố môi trường, ví dụ như việc phơi nhiễm với bức xạ, có liên quan tới một số loại ung thư ở trẻ em. Một vài nghiên cứu đã đưa ra giả thiết: việc cha mẹ bị phơi nhiễm với một số tác nhân (ví dụ như hút thuốc), có thể gia tăng nguy cơ bị các loại ung thư nhất định trên con cái; tuy nhiên, cần có các nghiên cứu chuyên sâu hơn để khẳng định giả thiết này. Cho tới nay, hầu hết ung thư ở trẻ em chưa được chứng minh là có nguyên nhân liên quan đến môi trường.

Các đột biến gen di truyền và mắc phải

Những đứa trẻ được di truyền những đột biến DNA từ bố mẹ có nguy cơ mắc một số loại ung thư cao hơn. Những biến đổi này hiện hữu trên tất cả các tế bào của đứa trẻ, do đó có thể phát hiện trên DNA của tế bào máu hoặc các tế bào khác. Một vài đột biến DNA này có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ ung thư, trong khi số khác có thể gây ra các hội chứng, bao gồm các triệu chứng về sức khỏe và phát triển thể chất.

Tuy nhiên, hầu hết ung thư ở trẻ em không có nguyên nhân đột biến di truyền, mà thường do các đột biến DNA xảy ra ở giai đoạn sớm trong cuộc đời đứa trẻ, thậm chí từ trước khi sinh ra. Mỗi lần tế bào phân chia thành 2 tế bào mới thì DNA cũng cần phải nhân đôi. Quy trình này là không hoàn hảo, và đôi khi có xảy ra lỗi, nhất là khi các tế bào nhân lên quá nhanh. Loại đột biến này có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong cuộc đời, và được gọi là đột biến mắc phải. Các đột biến mắc phải chỉ có ở trong tế bào của người mang đột biến, và sẽ không được truyền lại cho con cái của người đó.

Nguyên nhân gây biến đổi gen ở một vài bệnh ung thư ở người lớn đã được biết tới (ví dụ như các hóa chất sinh ung thư trong khói thuốc lá). Tuy nhiên, nguyên nhân gây biến đổi gen ở đa số ung thư trẻ em vẫn chưa được biết tới. Một số có nguyên nhân từ bên ngoài, như việc phơi nhiễm với phóng xạ, số khác chưa rõ nguyên nhân. Nhưng hầu hết ung thư trẻ em được cho là hậu quả của các sự kiện ngẫu nhiên xảy ra bên trong tế bào, mà không có nguyên nhân bên ngoài.

Trong một số trường hợp hiếm gặp, đứa trẻ có thể có những đột biến khiến chúng dễ mắc một số bệnh ung thư nhất định. Trong những trường hợp này, các bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật dự phòng để cắt bỏ cơ quan nghi ngờ trước khi bệnh ung thư có thể khởi phát tại đây. Tuy nhiên, một lần nữa, đây là những trường hợp rất hiếm gặp.