Dịch tiêu chảy cấp có dấu hiệu chững lại

(Dân trí) - Sáng 18/5, TS. Nguyễn Văn Kính,Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia cho biết: “Hiện dịch tiêu chảy cấp đã có dấu hiệu chững lại. So với những ngày trước đó, số lượng bệnh nhân đã giảm đi rất nhiều”.

Bệnh nhân vẫn phải nằm ghép giường

Cụ thể, nếu trong ngày cao điểm nhất (16/5) có 50 ca tiêu chảy cấp nhập viện thì đến ngày 17/5, con số này chỉ còn là 30 ca; ngày 18/5 là 10 ca.
 
Dịch tiêu chảy cấp có dấu hiệu chững lại - 1
Dù bệnh nhân tiêu chảy cấp nhập viện giảm nhưng bệnh nhân vẫn phải nằm ghép giường (Ảnh chụp tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia ngày 18/5 - Ảnh: H.Hải)

Như vậy, tính từ ngày 1/5 đến nay, tổng số bệnh nhân tiêu chảy cấp vào Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia là 257. Trong đó, có 151 ca dương tính với khuẩn tả.

Theo TS Kính, số bệnh nhân tiêu chảy cấp nhập viện giảm là dấu hiệu đáng mừng. Nguyên nhân có thể do công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo VSATTP tốt hơn. Bên cạnh đó, ngành y tế dự phòng cũng kiểm soát và xử lý các ổ dịch hiệu quả hơn… Theo ông Kính, nếu ý thức phòng bệnh của người dân được thực sự nâng cao thì việc phòng chống dịch bệnh sẽ hiệu quả hơn. Vì bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm lây qua đường ăn uống. Nếu người dân luôn ý thức ăn chín, uống sôi, giữ vệ sinh sạch sẽ đúng theo 4 khuyến cáo của Bộ Y tế thì sẽ chủ động ngăn ngừa được dịch bệnh.

Tuy số bệnh nhân nhập viện giảm nhưng đến thời điểm này, tổng số bệnh nhân tiêu chảy cấp lưu đang điều trị tại Viện là 163 ca. Vì thế, vẫn xảy ra tình trạng quá tải trầm trọng. Bệnh nhân phải nằm ghép 2 - 3, thậm chí 4 người/giường. Ngoài ra còn phải kê thêm giường bạt, bàn ghép thành giường bệnh tại các hành lang. Riêng Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, hiện có 88 bệnh nhân nằm điều trị. Trong đó, có đến 48 bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm.
 
Do “đặc thù” của bệnh nên cán bộ y tế rất vất vả. Nhất là với các điều dưỡng viên. Theo điều dưỡng trưởng Đoàn Minh Nguyệt, riêng việc bố trí giường bệnh, thay quần áo và đổ chất thải cho bệnh nhân nặng… cũng khiến cán bộ y tế phải luôn tay luôn chân, bất kể ngày hay đêm.

Theo TS Kính, dù lượng bệnh nhân tiêu chảy cấp nằm viện rất đông nhưng cán bộ y tế luôn có ý thức hướng dẫn người bệnh, người nhà chăm bệnh nhân biết cách vệ sinh để phòng lây chéo. Ở trước cửa các phòng bệnh, hành lang đều có sẵn dung dịch sát khuẩn nhanh để người nhà khi chăm sóc người bệnh sử dụng để phòng lây nhiễm cho mình.

Ngoài tình trạng quá tải bệnh nhân tại các khoa, phòng khiến các bác sĩ, y tá, điều dưỡng phải luôn tay luôn chân thì ở Khoa vi khuẩn, cán bộ y tế cũng phải làm việc hết công suất, làm ngoài giờ để kịp có kết quả nhanh, sớm nhất các mẫu xét nghiệm khuẩn tả. ThS Đào Tuyết Trinh, Phó trưởng khoa Xét nghiệm cho biết, trung bình mỗi ngày Khoa tiếp nhận 300 mẫu xét nghiệm, trong đó có 130 - 150 mẫu là của bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm. Các mẫu này đều cần phải xét nghiệm nhanh để Bệnh viện kịp thời báo với Y tế dự phòng phối hợp dập dịch ngay tại nơi ở của bệnh nhân, tránh để dịch bệnh lây lan.

Nên hạn chế vào thăm người bệnh

Theo TS Kính, người Việt Nam luôn có thói quen, truyền thống, người nhà ốm nằm viện thì phải đi thăm nom mới phải đạo. Tuy nhiên, theo ông Kính, trong thời điểm này thì thói quen đó là không nên. Vào các khoa có bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm rất dễ lây nhiễm bệnh, vì thế, ông Kính đưa ra lời khuyên, người nhà bệnh nhân nên hạn chế vào thăm nom.

Nếu vào thăm người bệnh, mọi người nên có ý thức giữ vệ sinh cho chính bản thân. Khi tiếp xúc với người bệnh, sờ vào giường bệnh, sử dụng nhà vệ sinh… thì đều nên rửa tay bằng xà phòng sau đó. Không nên ăn uống khi vào thăm người bệnh, không cho tay lên miệng. Trước khi ra về, người nhà bệnh nhân đều phải thực hiện việc vô trùng tẩy uế để tránh mang trùng bệnh ra ngoài.

Thành lập các đội thường trực cấp cứu cơ động chống dịch bệnh

Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương cần thành lập các đội thường trực cấp cứu cơ động chống dịch để kịp thời ứng phó với tuyến dưới nếu dịch tiêu chảy cấp xảy ra.

Đó là một phần nội dung công văn khẩn Bộ Y tế vừa gửi các Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Y tế các ngành địa phương về việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm.

Theo đó, Bộ Y tế chỉ đạo, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ và y tế ngành cần tham mưu với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố để kiện toàn và duy trì hoạt động Ban chỉ đạo chống dịch của tỉnh, thành phố, bao gồm cúm A/H1N1, cúm A/H5N1 và phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm có khuẩn tả và các dịch bệnh mùa hè.

Cần hoàn thiện kế hoạch thu dung điều trị chống dịch và có các phương án cụ thể để phân tuyến thu dung điều trị bệnh nhân trong mọi tình huống của dịch (nếu xảy ra). Đồng thời cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong công tác chuẩn bị, tiếp nhận, cấp cứu, thu dung và điều trị cho bệnh nhân.

Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc tăng cường cảnh giác và phát hiện sớm các trường hợp tiêu chảy cấp nguy hiểm và tiến hành xét nghiệm khẩn trương tìm  khuẩn tả để cách ly và điều trị kịp thời. Đặc biệt chú ý đến công tác kiểm soát lây nhiễm, quản lý và xử lý chất thải, xử lý phân và chất nôn của người bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm đúng quy trình. Hướng dẫn cho người bệnh và người nhà người bệnh biện pháp phòng bệnh không để lây lan ra cộng đồng.

Đồng thời, cần phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng của địa phương trong công tác phòng chống dịch. Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa truyền nhiễm, nhi, bệnh viện huyện kiểm tra, rà soát dịch truyền, thuốc, cơ sở vật chất, nhân lực và kế hoạch sẵn sàng ứng phó đề phòng khi xảy ra dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm lan rộng.

Hồng Hải