Dịch tả lợn châu Phi hoành hành, cuối năm có lo thiếu thịt lợn?
(Dân trí) - Đã có 55 tỉnh, thành phố trên cả nước xuất hiện dịch tả lợn châu Phi và hơn 2,4 triệu con lợn bị tiêu hủy. Giá lợn hơi hiện nay đã tăng dần, nhiều người lo ngại dịp cuối năm sẽ khan hiếm thịt lợn và giá loại thịt này sẽ còn tăng cao.
Theo Cục Thú y, tính đến ngày 11/6/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại 3.980 xã, 407 huyện của 55 tỉnh, thành phố; tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là 2.490.449 con.
Ngoài ra, đã có 199 xã thuộc 92 huyện của 25 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh. Số lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy tại các ổ dịch cũ này là 77.148 con. Thời gian qua, đã có 55 xã thuộc 15 tỉnh có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh.
Về vấn đề lo ngại những tháng cuối năm sẽ khan khiếm thịt lợn, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện số lượng lợn an toàn đến tuổi xuất chuồng còn rất nhiều. Chính vì vậy, thời điểm này cần đẩy mạnh tiêu thụ thịt lợn để cùng người chăn nuôi, doanh nghiệp chống chọi với dịch bệnh này.
Khi phóng viên đặt vấn đề về việc thời điểm này DTLCP vẫn diễn biến phức tạp, không có dấu hiệu dừng lại, tâm lý người dân vẫn chưa "mặn mà" với thịt lợn, nhưng mấy ngày gần đây giá lợn hơi ở miền Bắc và miền Nam lại bất ngờ tăng vọt, liệu đây có phải "chiêu trò" của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn như CP, Masan,... nhằm đẩy lượng lợn tồn trên 140kg? Liệu các doanh nghiệp này có "om hàng" để cuối năm tăng giá?
Ông Dương phản bác quan điểm trên và cho rằng, lượng lợn tại các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học đến tuổi xuất chuồng còn rất nhiều, số lượng lợn bị tiêu hủy (hơn 2,4 triệu con) chỉ chiếm dưới 10% tổng đàn lợn của cả nước (trên dưới 30 triệu con lợn). Do đó, với người dân thời điểm này cần tăng cường tiêu thụ thịt lợn, mua về nhà tích trữ để tủ lạnh ăn dần.
"Nhà nước đang khuyến khích các cơ sở giết mổ, các doanh nghiệp cần tăng cường cấp đông để cuối năm có nguồn thịt lợn tung ra thì trường nhằm đảm bảo cung cầu, bình ổn giá cả, việc này tốt quá nhưng chưa có ai làm. Hiện Bộ Công thương đang trình Chính phủ đề xuất hỗ trợ các cơ sở giết mổ, các doanh nghiệp có khả năng cấp đông thịt lợn sẽ được hỗ trợ 10.000 đồng/kg, nhưng việc này mới đang trình. Hiện tại, giá lợn hơi ở miền Bắc đã lên hơn 40.000 đồng/kg, còn miền Nam là 37-38.000 đồng/kg, đây là tín hiệu đáng mừng vì người dân đã bắt đầu ăn thịt lợn nhiều trở lại" - ông Dương nói.
Cũng liên quan đến vấn đề giá cả thịt lợn tăng những ngày gần đây, TS. Kiều Minh Lực, Phó Tổng Giám đốc phụ trách di truyền giống của Công ty Cổ Phần Chăn nuôi C.P Việt Nam phân tích, thực tế thị trường heo hơi Việt Nam trong nhiều năm qua đã trải qua nhiều giai đoạn biến động giá cả, và ở những thời điểm khó khăn nhất của thị trường đều cho thấy CP không thể can thiệp vào giá cả thị trường lợn hơi. Đơn cử, giá lợn hơi năm 2017 có thời điểm chỉ còn 20.000 đồng/kg do cung vượt cầu từ việc ngừng xuất heo qua Trung Quốc. Việc giảm đàn do tác động giá năm 2017 và dịch bệnh đầu năm 2018 đã làm nguồn cung giảm, dẫn đến giá lợn hơi trở lại mức có lời từ cuối năm 2018 và đầu năm 2019, và dự báo giá lợn hơi sẽ duy trì tốt cho người chăn nuôi lợn trong năm 2019.
Trang trại lợn đến tuổi xuất chuồng tại một cơ sở chăn nuôi lớn.
Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh DTLCP đã làm cho giá lợn hơi giảm xuống mức thấp dưới 30.000 đồng/kg. Nguyên nhân là giảm nhu cầu tiêu thụ thịt heo và tăng lượng bán ra do người chăn nuôi sợ dịch bệnh gây thiệt hại. Như vậy, cung cầu là yếu tố quyết định giá cả thị trường lợn hơi hiện nay mà không thể có một doanh nghiệp nào có thể can thiệp được. Hiện tại, giá lợn hơi đang có chiều hướng tăng cũng là phản ánh hiện tượng bình thường của thị trường sau một thời gian dài giảm giá do cung vượt cầu.
“DTLCP đã và đang gây thiệt hại cho chăn nuôi lợn Việt Nam. Diễn biến dịch bệnh từ nay đến cuối năm rất khó dự đoán, nếu dịch bệnh được khống chế thì mức thiếu hụt thịt heo sẽ không đến mức quá căng thẳng. Tuy nhiên, người dân nên duy trì xuất bán heo thịt bình thường, đúng trọng lượng, không nên bán lợn ở trọng lượng quá thấp hay quá cao thường dẫn đến đảo lộn thị trường” – TS. Kiều Minh Lực phân tích.
Nguyễn Dương