1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Dịch sốt xuất huyết ở Đồng Tháp:Chính quyền và người dân cùng diệt lăng quăng

(Dân trí) - Sốt xuất huyết là một loại dịch bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, muốn không mắc bệnh này chỉ có biện pháp phòng ngừa bằng cách diệt lăng quăng. Bởi “không có lăng quăng là không có sốt xuất huyết”.

Thầy thuốc ưu tú-bác sĩ Trần Hữu Trí, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Nông, cho biết: “Ngành Y tế đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống như: tăng cường điều tra mật độ muỗi và lăng quăng; chủ động dập tắt các ổ dịch nhỏ, không để bùng phát thành vùng dịch lớn. Thường xuyên hàng tháng tổ chức họp dân tại các xã-thị trấn… nhằm tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, nâng cao ý thức phòng chống bệnh SXH…”.

Cơ quan ban ngành cùng thanh niên Tam Nông ra quân tiêu diệt muỗi, phát hoang bụi rậm
Cơ quan ban ngành cùng thanh niên Tam Nông ra quân tiêu diệt muỗi, phát hoang bụi rậm

Ở thị trấn Tràm Chim, Trung tâm huyện Tam Nông là một trong những địa phương trong huyện có số ca mắc bệnh sốt xuất huyết phải nhận viện điều trị tăng nên ngành y tế, chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương đang chủ động phòng chống căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.

Anh Huỳnh Trung Nghĩa ở cụm dân cư khóm 5 thị trấn Tràm Chim cho biết: “Ở đây, mỗi tổ có 1 đội diệt lăng quăng, thường xuyên vận động nhân dân có ý thức diệt lăng quăng phòng-chống SXH, nhắc nhở người dân cọ rửa các vật dụng chứa nước tránh để phát sinh lăng quăng, hướng dẫn người dân các biện pháp tiêu diệt lăng quăng hiệu quả. Ngoài ra, đội còn thường xuyên nhắc nhỡ người dân mặc áo dài tay khi đi làm vườn, ngủ mùng kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt…”.

Nâng cao công tác tuyên truyền bệnh sốt xuất huyết và cách diệt lăng quăng đến người dân
Nâng cao công tác tuyên truyền bệnh sốt xuất huyết và cách diệt lăng quăng đến người dân

Cũng nhờ những biện pháp tuyên truyền tích cực trên nên người dân đã có ý thức tự giác trong phòng-chống bệnh. Chị Nguyễn Thị Dứt ở Cụm dân cư khóm 5, thị trấn Tràm Chim bày tỏ: “Trước đây, do tất bật với công việc buôn bán nên không có thời gian chăm sóc con, để tụi nhỏ bị muỗi chích-mắc bệnh sốt xuất huyết phải đưa đến Bệnh viện chữa trị-rất nguy hiểm. Bây giờ, nói đến bệnh sốt xuất huyết tôi sợ lắm.

Hai-ba bữa gia đình tôi xúc lu một lần và có nắp đậy đàng hoàng; nhà cửa vệ sinh sạch sẽ; ban đêm đốt nhang muỗi… Những lu-khạp không có nắp đậy, tôi đem cá bảy màu bỏ vô lu diệt lăng quăng để đừng cho sốt xuất huyết lan truyền nữa. Gia đình tôi cũng có tờ cam kết đàng hoàng từ đây sắp tới không để có lăng quăng và không để xảy ra bệnh sốt xuất huyết nữa…”.

Biện pháp hữu hiệu nhất là phát hoang bụi rậm, đổ bỏ các vật dụng chứa nước không xài...
Biện pháp hữu hiệu nhất là phát hoang bụi rậm, đổ bỏ các vật dụng chứa nước không xài...

Hiện nay, ngành y tế huyện Tam Nông đã và đang đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền như: tổ chức lễ phát động diệt lăng quăng, chọn điểm tổ chức lễ phát động tập trung để nhân rộng ra các địa bàn khác, với phương châm “mưa dầm-thấm sâu”; vận động nhân dân khai thông cống rãnh, phát hoang bụi rậm, thường xuyên cọ rửa lu hủ, dọn dẹp gáo dừa và những vật dụng đọng nước để phòng-chống hữu hiệu bệnh sốt xuất huyết, bảo vệ sức khỏe mọi người…

Thầy thuốc ưu tú-bác sĩ Trần Hữu Trí, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Nông, cho biết: “Trung tâm Y tế huyện Tam Nông sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác điều tra mật độ muỗi, lăng quăng và kịp thời dập tắt các ổ dịch nhỏ mới phát sinh, không để lan rộng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng chống bệnh sốt xuất huyết như: dọn dẹp nhà cửa thông thoáng, vệ sinh môi trường xung quanh không để ao tù nước đọng và khuyến khích người dân ngủ mùng kể cả ban ngày, hun khói xua muỗi, diệt lăng quăng bằng cách nuôi cá bảy màu, thay nước mỗi tuần hai lần những lu, bồn chứa nước, hồ cá cảnh, dùng hóa chất ngăn cản muỗi đốt…”.

Trọng Trung