Dịch sốt xuất huyết đang bùng phát tại nhiều quốc gia
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) và hãng thông tấn AFP cho biết tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tại một số quốc gia trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp, số ca mắc và tử vong tăng nhanh trong các tuần gần đây
Theo Tổ chức Y tế thế giới, sốt xuất huyết hiện nay là vấn đề y tế công cộng mang tính toàn cầu và được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá là một trong những bệnh do véc tơ truyền quan trọng nhất. Kể từ khi được phát hiện vào những năm 50 của thế kỷ trước, sốt xuất huyết liên tục lan rộng ra các quốc gia, hiện sốt xuất huyết đang lưu hành ở trên 128 quốc gia thuộc các khu vực có khí hậu nhiệt đới và á nhiệt đới như vùng Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, châu Mỹ, châu Phi. Ước tính có khoảng 390 triệu trường hợp mắc mỗi năm, số người mắc đã tăng tới 30 lần trong 50 năm qua.
Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết không ổn định phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời tiết khí hậu, lượng mưa trong năm. Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, sốt xuất huyết có biểu hiện gia tăng ở rất nhiều quốc gia, đặc biệt tại khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Thông tin Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) và hãng thông tấn AFP cho biết tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tại một số quốc gia trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp, số ca mắc và tử vong tăng nhanh trong các tuần gần đây.
Tại Đài Loan, số trường hợp mắc sốt xuất huyết đã gia tăng nhanh từ 01/5/2015, thời điểm bắt đầu mùa truyền bệnh sốt xuất huyết, đến ngày 7/10/2015 ghi nhận 21.357 trường hợp mắc, 89 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Các trường hợp mắc tập trung chủ yếu tại 2 thành phố phía nam của Đài Loan. Hiện 86,3% tổng số trường hợp mắc đã khỏi, 52 trường hợp đang điều trị tại các đơn vị cấp cứu.
Tại Brazil số ca tử vong do sốt xuất huyết tăng cao gần 700 trường hợp tử vong. Từ đầu năm 2015 đến 7/10/2015 tại quốc gia này đã ghi nhận 693 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Hầu hết các trường hợp tử vong là ở bang Sao Paulo - thành phố lớn nhất của Brazil. Tử vong do sốt xuất huyết năm nay được cho là tồi tệ nhất kể từ khi Brazil bắt đầu triển khai hoạt động phòng chống sốt xuất huyết năm 1990.
Tại Malaysia, với dân số 26 triệu người, tuy nhiên số ca mắc và tử vong do số xuất huyết, tính đến ngày 12/9/2015 đã ghi nhận 85.488 trường hợp mắc, trong đó số ca tử vong là 234 trường hợp (tăng 21.5% so với cùng kỳ năm 2014 (n=70,337). Riêng trong tuần từ 6-12/9/2015, ghi nhận 2.604 trường hợp (tăng 17% so với tuần trước, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2014 và tăng 300% so với cùng kỳ năm 2013.
Tại Philippines, tính đến tháng 9/2015, tại tại Philippines ghi nhân 65.421 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 193 trường hợp tử vong (tăng 10.2% so với cùng kỳ năm ngoái).
Tại Singapore, tính đến ngày 19/9/2015, Singapore đã ghi nhận 7.136 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Trong tuần từ 13- 19/9/ 2015, 303 trường hợp mắc được báo cáo, tăng 85 ca so với tuần trước.
Tại Campuchia, quốc gia Đông Nam Á này với dân số 6 triệu người, tính đến tháng 9/2015, nước này đã ghi nhận 7.799 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 16 trường hợp tử vong, số mắc tăng 350 % so với cùng kỳ năm 2014.
Ngoài ra, dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, tại Lào tính từ đầu năm đến 11/9/2015, có 1.183 trương hợp mắc, tại Úc trong 8 tháng đầu năm 2015quốc gia này đã ghi nhận 1.305 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tính đến ngày 08/9/2015, tại Samoa ghi nhận 630 trường hợp mắc triệu chứng giống sốt xuất huyết được ghi nhận, dịch sốt xuất huyết tại American Samoa (DENV-3), tính đến ngày 13/9/2015 đã có 422 trường hợp được thông báo, dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, trong 10 tháng đầu năm 2015, tại Ấn Độ ghi nhận 6.500 trường hợp mắc, trong đó có ít nhất 25 trường hợp tử vong.
Tại Việt Nam, tích lũy từ đầu năm 2015, cả nước ghi nhận 43 nghìn trường hợp mắc tại 53 tỉnh, thành phố, 28 trường hợp tử vong, số mắc cao hơn so với cùng kỳ năm 2014 (năm 2014 là năm có số mắc thấp nhất trong vòng 10 năm qua) nhưng đều thấp hơn sới với tất cả các năm trước và có nguy cơ tiếp tục gia tăng nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống.
Đến nay, sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với địa phương, đơn vị và đặc biệt là sự vào cuộc của chính quyền địa phương quyết liệt và ý thức thái độ hợp tác của người dân nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh hiệu quả.
Theo Nguyễn Hoàng
Sức khoẻ & Đời sống