Dịch đau mắt đỏ lan rộng, “cháy” thuốc điều trị

Nhiều học sinh phải nghỉ học, nhiều người phải nghỉ làm để tránh lây lan cho cộng đồng. Các cửa hàng thuốc đều "cháy" loại thuốc nhỏ mắt chữa bệnh này.

Lan rộng từ nội thành đến ngoại thành

 

Dịch đau mắt đỏ bắt đầu xuất hiện từ cách đây khoảng một tuần và đến thời điểm này vẫn đang diễn biến phức tạp.

 

Tại BV Mắt Trung ương, mỗi ngày ghi nhận khoảng trên 300 ca đến khám vì có những triệu chứng của bệnh như ngứa, đau, khó chịu, mắt nhiều ghèn, …

 

Khám bệnh cho bệnh nhân đau mắt đỏ tại BV Mắt Trung ương

Khám bệnh cho bệnh nhân đau mắt đỏ tại BV Mắt Trung ương

 

Không chỉ xuất hiện ở khu vực nội thành, đến thời điểm này, nhiều địa bàn ở các huyện ngoại thành Hà Nội cũng đã có bệnh nhân bị đau mắt đỏ.

 

BS Hoàng Cương (BV Mắt Trung ương) cho biết nguyên nhân do sự dịch chuyển của người dân từ vùng này sang vùng khác nên vi rút gây bệnh phát tán nhanh.

 

Đặc biệt, đã có những bệnh nhân đứng trước nguy cơ bị mù mắt do nhầm đau mắt đỏ với bệnh viêm nội nhãn.

 

BS Cương cho biết BV Mắt Trung ương đã tiếp nhận 5 trẻ bị viêm nội nhãn nhưng thị lực suy giảm trầm trọng, khó có khả năng hồi phục do gia đình tự chữa trị ở nhà vì nghĩ bị đau mắt đỏ, khi đưa đến viện thì đã chậm trễ.

 

Bệnh đau mắt đỏ dễ lây lan nên tính đến thời điểm này, nhiều gia đình cả nhà đều thay nhau mắc bệnh, thậm chí có gia đình mọi người cùng mắc bệnh ở một thời điểm khiến mọi sinh hoạt đều khó khăn, cuộc sống đảo lộn.

 

 Có bệnh nhân đến khám ở bệnh viện mắt chia sẻ mấy ngày nay cả gia đình anh ai cũng đeo kính và dùng riêng mỗi người một lọ thuốc để chữa bệnh. Ngoài 2 đứa con nhỏ phải nghỉ học, bản thân vợ chồng bệnh nhân này cũng nghỉ làm để tránh lây lan.

 

 Trước diễn biến này, một loạt các hiệu thuốc trên địa bàn Hà Nội đều bị “cháy hàng” loại thuốc nhỏ mắt có chức năng chữa viêm kết mạc.

 

Hơn chục cửa hàng bán thuốc trên phố Ngọc Khánh đều thông báo không còn lọ thuốc nhỏ mắt nào (phổ biến là Tobrex, Tobrin).

 

 Mỗi ngày các cửa hàng đều bán vài chục tới cả trăm lọ nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu do dịch đau mắt đỏ gây ra. Nhiều người phải tìm đến các hiệu thuốc lớn cạnh các bệnh viện chuyên khoa để tìm mua thuốc.

 

Khuyến cáo học sinh nghỉ học nếu bị bệnh

 

Hiện nay, một loạt trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có thông báo đến phụ huynh và học sinh về dịch đau mắt đỏ để có biện pháp phòng tránh chủ động, hiệu quả.

 

Các trường học khuyến cáo cho học sinh nghỉ học nếu bị bệnh

Các trường học khuyến cáo cho học sinh nghỉ học nếu bị bệnh

 

Trường Tiểu học Cát Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) trong buổi chào cờ sáng thứ 2 tuần trước và tuần này đều có thông báo về dịch đau mắt đỏ.

 

Các học sinh bị đau mắt đỏ đều được nhà trường và giáo viên chủ nhiệm khuyến cáo phụ huynh cho nghỉ học để tránh lây lan cho các bạn cùng lớp khiến tình hình dịch bệnh thêm phức tạp.

 

 Các ĐH, CĐ, học viện trên địa bàn Thủ đô cũng ra thông báo đến sinh viên để chủ động phòng tránh. Học viện Tài chính đăng khuyến cáo về dịch bệnh này trên trang nhất để thu hút sự chú ý. Các trạm y tế phường, xã trên địa bàn Hà Nội cũng vào cuộc để tuyên truyền cho người dân cách phòng tránh.

 

 Bà Đỗ Thị Bích Hạnh, trạm trưởng trạm y tế phường Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng) cho biết bệnh đau mắt đỏ là bệnh thường xuyên xảy ra nên công tác tuyên truyền năm nào cũng được thực hiện.

 

Tuy nhiên, đây đang là thời kỳ cao điểm nên trạm y tế phường đã triển khai các biện pháp tuyên truyền trực tiếp, cụ thể đến các cụm dân cư, người bệnh đến khám, các giáo viên trong các trường học.

 

 Xác định trường học có thể là nơi khiến dịch bệnh dễ lây lan, các giáo viên được trạm y tế hướng dẫn cách xử trí như cho học sinh nghỉ học trong giai đoạn cấp tính, giặt khăn mặt bằng nước nóng rồi phơi ngoài trời nắng, phát tờ rơi đến toàn bộ các hộ gia đình trong phường để tuyên truyền.

 

Không tự ý mua thuốc chứa corticoid để tự chữa trị

 

Bệnh đau mắt đỏ còn được gọi là bệnh viêm kết mạc. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em nhưng bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể bị bệnh. Đau mắt đỏ là bệnh lý nhẹ mặc dù gây lo lắng nhưng ít khi gây biến chứng nghiêm trọng.

 

 Bệnh thường lây lan giữa các cá nhân trong gia đình, cộng đồng nơi sinh sống và nơi công sở. Nơi phát bệnh nhiều khi lại là môi trường y tế, nơi giao lưu giữa người bệnh và người lành.

 

Đại đa số những trường hợp đau mắt đỏ là nhẹ không gây tổn thương nhãn cầu và không ảnh hưởng đến thị lực. Thế nhưng trong một số ít trường hợp có thể gây biến chứng cho nên nếu thấy trẻ bị đau mắt đỏ bạn cần đưa trẻ đi khám bác sĩ.

  

Đặc biệt, bệnh nhân không tự ý mua thuốc chứa corticoid để tự chữa trị. Cần thực hiện các biện pháp vệ sinh sạch sẽ để tránh bệnh lây lan.

 

 TPHCM: Bệnh nhi “dính” nhiều

 

"Từ năm 2008 tới nay tôi mới chứng kiến lại một đợt dịch đau mắt đỏ lớn như thế", BS Nguyễn Thị Thanh, khoa Mắt Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM đã nhận định như trên.

 

Ngày 23/9, chỉ mới 10h nhưng khoa Mắt, BV Nhi Đồng 2 đã khám cho 164 bệnh nhi đau mắt đỏ (độ tuổi mẫu giáo và tiểu học).

 

 

đau mắt đỏ; Hà Nội; Tobrex, Tobrin; Viện mắt Hà Nội

 

BS Thanh cho biết dịch đau mắt đỏ bắt đầu từ đầu tháng 9. Mọi năm, dịch chỉ kéo dài khoảng 1 tuần rồi qua đi.

 

Tuy nhiên, không hiểu sao năm nay dịch bùng phát đã 3 tuần nhưng lượng bệnh tới khám vẫn khá nhiều.

 

"Có ngày cao điểm chúng tôi khám tới trên 300 bệnh nhi đau mắt đỏ. May mắn số lượng bệnh nhi nhiều nhưng tình trạng không nặng", BS Thanh nói.

 

Trong nhà chỉ cần một người đau mắt đỏ thì hầu như các thành viên còn lại cũng bị theo. Biểu hiện lúc mắc bệnh là mắt bị đổ ghèn, đau nhức, sưng đỏ.

 

Từ đó, BS Thanh khuyên người dân phải thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, tránh dùng chung đồ với người mắc bệnh. Đặc biệt, sau khi nhỏ mắt cho trẻ phụ huynh cần rửa tay ngay. Việc hôn hít trẻ đau mắt đỏ cũng có thể bị lây bởi dịch tiết từ mắt bệnh nhi chảy xuống miệng và mũi.

 

 Khi thấy biểu hiện đau mắt đỏ, người dân nên đi khám sớm để được điều trị kịp thời, tránh để mắt bị bội nhiễm.Trung bình sau khi điều trị 3 ngày mắt sẽ hết đỏ và đau, nhưng để khỏi hẳn bệnh nhân phải dùng thuốc từ 7 - 10 ngày.

Theo C.Quyên

VietNamNet