1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Dịch cúm gia cầm tiếp tục giảm

(Dân trí) - Trong 3 ngày gần đây đã có thêm nhiều địa phương khống chế được dịch cúm gia cầm. Hiện cả nước chỉ còn 19 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 8 tỉnh, thành phố.

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), trong ngày 26/3 không có địa phương nào báo cáo dịch mới phát sinh. Cũng trong cùng ngày, đã có thêm 4 tỉnh đã qua 21 ngày không phát sinh gia cầm mới mắc bệnh gồm: Hưng Yên, Sóc Trăng, Hải Dương và Cần Thơ.

Dịch cúm gia cầm tiếp tục giảm
Hưng Yên, tỉnh tiếp giáp với phía Đông thủ đô Hà Nội đã tạm thời khống chế được dịch cúm gia cầm (Ảnh minh họa)

Hiện nay, cả nước còn 19 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại 8 tỉnh, thành phố bao gồm: Khánh Hoà, Vĩnh Long, Gia Lai, Đồng Nai, Hà Giang, Quảng Nam, Bến Tre, và Bình Thuận. Như vậy, dịch cúm gia cầm đã giảm đáng kể so với diễn biễn cập nhật đến ngày 24/3 (24 ổ dịch tại 12 tỉnh thành phố). Điều này chứng tỏ hiệu quả của công tác phòng chống dịch nhất là việc tiến hành tiêu độc khử trùng tại các trại gia cầm, chợ buôn bán gia cầm, nơi giết mổ gia cầm tập trung và việc khoanh vùng, chặn chốt các ổ dịch,...

Qua phân tích dịch tễ đợt dịch này cho thấy: Trong năm 2014, vi rút cúm A/H5N1 nhánh 1.1 đã được phát hiện tại ổ dịch trên gà tại Long An, Kiên Giang, và Cà Mau; hầu hết các ổ dịch trên gia cầm (gà, vịt, ngan) tại các tỉnh có dịch do vi rút A/H5N1 nhánh 2.3.2.1C.

Công tác giám sát thường xuyên của Cục Thú y cho thấy tỷ lệ lưu hành vi rút H5N1 trên đàn thuỷ cầm tại các chợ buôn bán gia cầm trong năm 2013 gần 6%.

Từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2014, nhánh vi rút 2.3.2.1C đã xâm nhập vào các tỉnh phía Nam và gây bệnh thay cho nhánh 1.1 lưu hành phổ biến tại các tỉnh phía Nam trong những năm trước đây. Nguyên nhân có thể do quá trình vận chuyển gia cầm từ phía Bắc vào Nam, sau đó lây lan qua các đàn vịt chạy đồng trong vùng dẫn đến việc nhánh 2.3.2.1C xuất hiện và lưu hành rộng rãi tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thảo Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm