Quảng Ngãi:

Dịch cúm bùng phát: Dân tự "phán" nguồn gốc, cơ quan quản lý thờ ơ

(Dân trí) - Trong nửa cuối tháng 2, tỉnh Quảng Ngãi liên tiếp ghi nhận 6 ổ dịch cúm A - H5N6 bùng phát với 19.000 con gia cầm mắc bệnh phải tiêu hủy. Trong khi gia dịch cúm có diễn biến phức tạp thì tại các chợ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, hoạt động giết mổ gia cầm sống vẫn diễn ra hết sức nhộn nhịp mà không có sự kiểm tra, giám sát nào.


Hàng chục con gia cầm được giết mổ trong điều kiện vệ sinh kém tại chợ Nghĩa Dõng

Hàng chục con gia cầm được giết mổ trong điều kiện vệ sinh kém tại chợ Nghĩa Dõng

Ghi nhận của phóng viên Dân trí trong 2 ngày 27 và 28/2 tại chợ Nghĩa Dõng (xã Nghĩa Dõng, TP. Quảng Ngãi), hoạt động mua bán và giết mổ gia cầm sống diễn ra nhộn nhịp suốt cả ngày. Trong điều kiện dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp nhưng hoạt động mua bán gia cầm tại đây không hề có sự giám sát của lực lượng chức năng.

Chính vì vậy, người bán và người mua tự bảo vệ mình bằng khả năng "chẩn đoán bệnh" cho gia cầm: "Gà này cô mua ở quê mang lên bán, thấy người ta vẫn mua ăn bình thường có sao đâu. Mình là nhà nghề nên nhìn là biết con gà nào khỏe mạnh, con nào bị bệnh", chị Đồng Thị Cúc (xã Nghĩa Dõng, TP. Quảng Ngãi) tự tin cho biết.

Để phục vụ nhu cầu giết mổ gia cầm, một điểm giết mổ tự phát của người dân mọc lên ngay bên trong chợ Nghĩa Dõng. Những người làm nghề giết mổ thuê tại đây cho biết, mỗi ngày họ giết mổ từ 40 - 50 con gà, vịt. Điểm giết mổ này vô cùng mất vệ sinh, mùi hôi thối bốc lên nồng nặng. Nước thải từ hoạt động giết mổ được đổ thẳng xuống cống thoát nước, lông gà, tiết gà, lòng, phân…vương vãi khắp nơi. "Có bao nhiêu gà vịt mang đến bọn chị làm vô tư. Cúm nhiều lần rồi mà có sao đâu", một người giết mổ gia cầm tại chợ Nghĩa Dõng cho biết.

Còn tại chợ Ông Bố (phường Quảng Phú, TP. Quảng Ngãi) hoạt động mua bán, giết mổ gia cầm diễn ra cũng tấp nập không kém. Hàng trăm con gia cầm được bày bán tại chợ và cũng không ít gia cầm được người mua thuê giết mổ ngay bên cạnh. Môi trường giết mổ tại đây vô cùng bẩn, nước thải, phế thải từ hoạt động giết mổ chảy tràn ra xung quanh. Ngay bên cạnh đó là một quầy bán thức ăn chín càng làm cho tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm trở nên nghiêm trọng hơn.

Nước thải, chất thải từ hoạt động giết mổ vương vãi khắp nơi.
Nước thải, chất thải từ hoạt động giết mổ vương vãi khắp nơi.

Điều đáng nói là các điểm chợ trên địa bàn TP. Quảng Ngãi không được phép giết mổ gia cầm sống. Tuy nhiên, lực lượng chức năng vẫn "ngó lơ" trước nguy cơ lây lan dịch bệnh từ hoạt động giết mổ tự phát này.

Ông Nguyễn Thanh Tiến - Trưởng BQL chợ Ông Bố, lí giải: "Theo quy định thì trong chợ không được giết mổ gia cầm sống, tuy nhiên do nhu cầu giết mổ gia cầm của người dân quá cao nên buộc phải để họ giết mổ. Chúng tôi nhiều lần nhắc nhở nhưng vẫn chưa xử lý được".


Hoạt động giết mổ gia cầm tại chợ Ông Bố khó xử lý trong điều kiện dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp.

Hoạt động giết mổ gia cầm tại chợ Ông Bố "khó" xử lý trong điều kiện dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp.

Cùng quan điểm đó, ông Nguyễn Đức Kiều - Phó Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi - Thú y TP. Quảng Ngãi, cho biết: "Tất cả các điểm chợ trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi đều không được giết mổ gia cầm. Chúng tôi đã kiểm tra, yêu cầu các hộ dân không được giết mổ trong chợ nhưng hoạt động này vẫn tái diễn rất khó kiểm soát".

Trong điều kiện dịch cúm gia cầm đang bùng phát nhưng hoạt động giết mổ gia cầm tại các điểm chợ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi vẫn diễn ra bình thường. Điều này tiềm ẩn nguy cơ cao làm cho dịch cúm gia cầm lây lan trên diện rộng, nguy hiểm hơn là làm lây nhiễm vi rút cúm từ gia cầm sang người. Trong khi đó các đơn vị chức năng lại cho rằng rất khó để "xử lý" những điểm giết mổ tự phát này.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng vừa có công văn hỏa tốc chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố và các sở, ngành liên quan tăng cường các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các UBND xã, phường, thị trấn, các phòng, ban liên quan phối hợp với ngành thú y tuyên truyền, hướng dẫn để nhân dân hiểu biết tác hại, cách nhận biết để phát hiện bệnh cúm gia cầm, báo cáo kịp thời cho ngành nông nghiệp để chủ động phối hợp phòng, chống; tuyệt đối không được giấu bệnh, không bán chạy gia cầm bị bệnh; khi phát hiện ổ dịch phải thực hiện các biện pháp cách ly, khoanh vùng ổ dịch, kiểm soát chặt chẽ không cho giết mổ, mua bán, vận chuyển gia cầm ra vào vùng dịch; phân công cụ thể người trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh ở cơ sở; xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm theo quy định.

Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố và các ngành chức năng, đơn vị có liên quan, chỉ đạo tổ chức kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm; triển khai các biện pháp ngăn chặn có hiệu quả việc giết mổ, buôn bán, vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc trên địa bàn tỉnh; tịch thu, tổ chức tiêu hủy không có hỗ trợ và xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật về quy định phòng chống dịch cúm gia cầm.​

Sở Y tế xây dựng kế hoạch phòng chống dịch cúm gia cầm có khả năng lây sang người để ứng phó kịp thời trong công tác phòng chống dịch; Chỉ đạo bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện và hệ thống cơ sở rà soát lại số trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch cúm ở người hiện có; chuẩn bị điều kiện để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân khi có dịch xảy ra trên địa bàn,...

Hà Xuyên