Dịch Covid-19: Việt Nam luôn sẵn sàng cho tình huống xấu nhất
(Dân trí) - Đến sáng 4/8, Việt Nam ghi nhận 652 ca mắc Covid-19, tương ứng cấp độ 3 của dịch. Bộ Y tế cũng đã xây dựng kịch bản ứng phó với tình huống xấu nhất, dịch lây lan rộng trong cộng đồng.
Để đối phó với dịch Covid-19, Bộ Y tế đã xây dựng 4 kịch bản chống dịch theo từng cấp độ lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng, cụ thể:
- Cấp độ 1: Phát hiện ca xâm nhập
- Cấp độ 2: Từ ca xâm nhập lây lan sang người Việt Nam
- Cấp độ 3: Dịch bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng, dưới 1.000 ca mắc
- Cấp độ 4: Số mắc trên 1.000 ca.
Đến chiều 2/8, Việt Nam ghi nhận 620 ca mắc Covid-19. Như vậy, hiện tại chúng ta đang ở cấp độ 3 của dịch. Đặc biệt, tại Đà Nẵng, nơi dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, chỉ trong 9 ngày, đã có 173 ca mắc mới liên quan đến địa phương này.
Hàng loạt biện pháp quyết liệt được triển khai
Bộ Y tế đánh giá dịch Covid-19 hiện nay là một trong những vụ dịch có độ phức tạp và lan rộng, cần có sự quan tâm rất đặc biệt. Hiện nay, tốc độ lây nhiễm đang cao gấp 2-3 lần so với thời kỳ trước. Đây cũng là lý do vì sao Bộ Y tế có hành động rất quyết liệt.
Đà Nẵng đã tiến hành cách ly xã hội toàn thành phố và có nhiều giải pháp mạnh mẽ. Để hỗ trợ cho Đà nẵng, Bộ Y tế cũng đã cử các lực lượng chi viện tinh nhuệ bao gồm: đội điều tra, giám sát dịch; đội điều trị; đội xét nghiệm, đồng thời thành lập “Bộ Chỉ huy tiền phương” – Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 tại thành phố Đà Nẵng do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đang có mặt tại Bệnh viện Đà Nẵng phụ trách.
Theo kịch bản ứng phó với dịch Covid-19, trong trường hợp các cơ sở điều trị vượt quá lưu lượng, thì có thể thành lập bệnh viện dã chiến. Hiện tại, về công tác điều trị, thành phố Đà Nẵng đang gấp rút hoàn thiện bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn. Với mặt bằng sân thi đấu rộng 2.400 m2 cộng với diện tích của các khán đài, hành lang (có thể cải tạo để tận dụng), nơi đây có thể đáp ứng tiếp nhận điều trị tối đa khoảng 2000 bệnh nhân.
Đà Nẵng là một thành phố du lịch năng động, lượng người đi đến rất lớn gần 1,4 triệu người đến trong một tháng qua (từ ngày 1/7). Riêng tại 3 bệnh viện thống kê có tới 800.000 lượt người đi đến khu vực này trong một tháng qua.
Hiện tại, các tỉnh, thành phố trên cả nước cũng đã thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát người từ Đà Nẵng trở về. Điển hình là tại Hà Nội trong những ngày qua đã triển khai xét nghiệm nhanh Covid-19 cho tất cả những người trở về từ Đà Nẵng.
Y tế Việt Nam có "vỡ trận" nếu bệnh nhân tăng vọt?
Ngành y tế Việt Nam đã áp dụng nhiều chiến lược xuyên suốt từ đầu mùa dịch và thể hiện được tính hiệu quả như:
- Bốn tại chỗ: Điều trị tại chỗ với nguồn lực tại chỗ, nhân lực tại chỗ và thiết bị tại chỗ
- Phân tuyến điều trị: Chỉ những bệnh nhân nặng mới cần chuyển lên các bệnh viện tuyến trên, nơi có khả năng can thiệp tốt hơn, đồng thời các bệnh viện tuyến dưới luôn nhận được sự hỗ trợ của bệnh viện tuyến trên về mặt nhân lực và trang thiết bị.
Mục đích nhằm đảm bảo khả năng điều trị, đáp ứng trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp với số lượng bệnh nhân lớn.
Bên cạnh công tác điều trị, theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, công tác truy vết và phong tỏa của Việt Nam đều đã đạt được trình độ cao hơn, nhờ vào kinh nghiệm chống dịch của giai đoạn trước.
GS.TS Nguyễn Văn Kính phân tích: “Bằng cách truy vết từ F0 cho đến F3 như đang thực hiện thì chúng ta có thể khống chế được tình hình. Bên cạnh đó, thay vì phong tỏa cả nước, chúng ta tiến hành phong tỏa từng vùng một, bị ở đâu phong tỏa ở đấy như vậy dần kiểm soát được tình hình thì cuộc sống người dân vẫn sẽ yên ổn”.
"Các biện pháp chống dịch, mà chúng ta đang áp dụng sẽ vẫn giúp kiểm soát tốt tình hình", chuyên gia này nhấn mạnh.
Mới đây, chia sẻ với PV Báo Dân trí, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng khẳng định, diễn biến dịch ở Đà Nẵng vẫn nằm trong kịch bản ứng phó với dịch Covid-19.