1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Dịch Covid-19 tại Việt Nam liệu đã kết thúc?

Nam Phương

(Dân trí) - Những ngày qua, số ca Covid-19 tại Việt Nam tiếp tục đà giảm mạnh. Theo chuyên gia, nước ta đã qua thời kỳ đỉnh dịch song dịch không bao giờ kết thúc.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho rằng Việt Nam đã qua thời kỳ đỉnh dịch, số ca mắc và tử vong giảm mạnh, thậm chí nhiều ngày không ghi nhận ca tử vong nào. Tuy nhiên, dịch không thể hết được, thậm chí ngay cả khi Covid-19 trở thành bệnh lưu hành thì số mắc vẫn có thể tăng lên nhưng ổn định.

"Với tình hình dịch trong nước hiện nay chúng ta không quá lo ngại về việc số ca mắc có thể tăng trở lại. Chúng ta vẫn dự báo các kịch bản có thể xảy ra, bản thân tôi nghiêng về kịch bản dịch nhẹ đi, số mắc có thể giảm rồi lại tăng lên chứ không bao giờ kết thúc được dịch", PGS.TS Trần Đắc Phu nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng nhấn mạnh.

Theo ông, hiện nay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng chưa tuyên bố kết thúc đại dịch mà mới tuyên bố làm sao để kết thúc tình trạng khẩn cấp. WHO cũng đang cảnh báo chưa thể lơ là với đại dịch, bởi kịch bản có thể nhẹ đi nhưng cũng có thể nặng lên vì chưa thể đánh giá biến chủng của virus SARS-CoV-2 một cách rõ ràng.

Dịch Covid-19 tại Việt Nam liệu đã kết thúc? - 1

"Việt Nam cũng như thế giới vẫn đang theo dõi các biến thể phụ của Omicron, biến chủng mới. Về câu chuyện của Nam Phi gia tăng số ca đột biến do 2 biến thể phụ BA.4 và BA.5, chúng ta cũng không nên lo lắng quá nhưng cần theo dõi sát diễn biến để ứng phó phù hợp. Việc xuất hiện các biến thể phụ mới, biến chủng mới là điều tất yếu", PGS Phu nói.

Ông cũng cho rằng hiện chưa thể xem Covid-19 như một bệnh lưu hành, chuyển từ nhóm A sang nhóm B mà cần theo dõi thêm một thời gian nữa. Đây chính là giai đoạn chuyển tiếp để "nghe ngóng", đánh giá tình hình dịch một cách chính xác.

"Điều quan trọng là chúng ta đánh giá đúng nguy cơ. Cùng với việc mở cửa các hoạt động, du lịch, đưa trẻ em quay trở lại trường học, không còn cách ly F1… thì vẫn phải kiểm soát rủi ro. Dịch diễn biến tới đâu, đáp ứng tới đó, cần đánh giá nguy cơ một cách chính xác để có đáp ứng phù hợp nhất. Nếu từ giờ tới cuối năm tình hình thực sự ổn định thì mới nên quyết định chuyển sang nhóm B. Đây là quyết định yêu cầu sự chắc chắn, nên cần phải có giai đoạn chuyển tiếp là như vậy", PGS Phu nhấn mạnh.

Bộ Y tế nhận định tại nước ta, dịch bệnh vẫn được kiểm soát trên phạm vi cả nước, tuy nhiên dự báo thời gian tới dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới. Tổ chức Y tế thế giới vẫn đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể xảy ra làm cho diễn biến dịch Covid-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.

Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục bám sát tình hình dịch bệnh, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm đến tận cấp cơ sở; tiếp tục rà soát các quy định hiện hành để điều chỉnh kịp thời, triển khai thống nhất. Bộ Y tế đang tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, rà soát các quy định pháp luật và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Bộ Y tế đang lấy ý kiến hai kịch bản phòng chống dịch. Tình huống thứ nhất là chủng virus vẫn tiếp tục tiến hóa, tuy nhiên do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong giảm dần dẫn đến các ổ dịch không còn nghiêm trọng như trước hoặc xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 nhưng ít nghiêm trọng hơn.

Tình huống thứ hai là xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương.

Liên tiếp xuất hiện nhiều biến thể phụ của Omicron

Dịch Covid-19 tại Việt Nam liệu đã kết thúc? - 2

Ảnh minh họa: M.Q.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, thời gian gần đây các quốc gia trên thế giới đã phát hiện thêm nhiều biến thể phụ của Omicron.

Cụ thể, theo trang tin Bloomberg, trong tháng 4 vừa qua, các nhà khoa học Nam Phi đã phát hiện 2 dòng phụ mới BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron tại thời điểm số ca mắc Covid-19 tăng đột ngột.

Tại Australia, giới chức y tế bang Victoria đã phát hiện dấu vết của dòng phụ BA.2.12.1 của biến thể Omicron trong nước thải tại Melbourne. Theo đó, Cơ quan y tế Victoria xác nhận dấu vết của biến thể phụ này được phát hiện vào ngày 29/4. Các bằng chứng ban đầu cho thấy biến thể phụ BA.2.12.1 có khả năng lây nhiễm hơn so với dòng phụ BA.2, song không gây triệu chứng nặng.

Sự xuất hiện liên tiếp của các dòng phụ của biến thể Omicron đang khiến chuyên gia y tế nước này quan ngại. Do vậy, việc số ca mắc gia tăng sẽ có nguy cơ làm gia tăng tỷ lệ nhập viện và càng nhiều người mắc hội chứng Covid-19 kéo dài. Dường như biến thể phụ BA.4 có khả năng "né" miễn dịch tốt hơn so với BA.2, do vậy những người đã từng mắc Covid-19 có thể tái nhiễm dễ dàng hơn.

Nhật Bản cũng vừa phát hiện một biến thể phụ mới của biến thể Omicron ở một bệnh nhân mắc Covid-19 đang sống tại thành phố Sendai, tỉnh Miyagi, phía Đông Bắc nước này. Biến thể này là sự kết hợp giữa các biến thể phụ BA.1 và BA.2 của biến thể Omicron, nhưng lại khác với biến thể phụ XE. Giới chức y tế cho rằng sự tái tổ hợp gen có thể đã xảy ra khi một người nhiễm cả biến thể phụ BA.1 lẫn BA.2 bởi vì BA.2 đang chiếm ưu thế ở Nhật Bản.

Ngày 12/4, Hàn Quốc phát hiện trường hợp đầu tiên trong nước mắc biến thể XL tái tổ hợp từ biến thể Omicron. Đây là một ca mắc Covid-19 không triệu chứng và đã tiêm đủ ba mũi vaccine.

Một nghiên cứu gần đây của Đại học John Hopkins (Mỹ) khuyến cáo không nên xem nhẹ biến thể Omicron do số bệnh nhân nhiễm biến thể này phải trợ thở và chăm sóc tích cực tương đương với số người nhiễm biến thể Delta. Kết quả nghiên cứu được tiến hành với hơn 2.000 bệnh nhân cho thấy trong số những người phải nhập viện do nhiễm Omicron, 67,7% phải thở oxy và 17,6% phải chăm sóc tích cực, trong khi con số này ở những bệnh nhân nhiễm biến thể Delta lần lượt là 73% và 25,4%.
Tuy nhiên, số bệnh nhân nhiễm Omicron dường như ít phải nhập viện hơn so với những người nhiễm Delta.