1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Dịch Covid-19 tại TP.Hồ Chí Minh: Sự nguy hiểm của nguồn lây "vô hình"

Minh Nhật

(Dân trí) - Các chuyên gia nhận định, những ca Covid-19 không triệu chứng là thách thức lớn trong cuộc chiến chống dịch. Thực tế, 3/4 ca bệnh vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh đều không có biểu hiện bất thường.

Dịch Covid-19 ở TP. Hồ Chí Minh là đốm lửa nhỏ nhưng không được chủ quan

Tính đến sáng 5/12, thành phố Hồ Chí Minh đã qua 4 ngày không ghi nhận thêm ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng. Một tin vui khác là theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.Hồ Chí Minh, tất cả 2.261 trường hợp F1 và F2 của chùm ca bệnh có liên quan đến BN1342 đều đã cho kết quả âm tính.

Dịch Covid-19 tại TP.Hồ Chí Minh: Sự nguy hiểm của nguồn lây vô hình - 1

Tất cả các mẫu bệnh phẩm xét nghiệm đến thời điểm hiện tại đều âm tính với SARS-CoV-2

Theo BSCKII. Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), việc phát hiện được ca bệnh và cách ly từ khá sớm và kịp thời áp dụng nhiều biện pháp mạnh, đã giúp khống chế dịch sớm và hiệu quả.

Nhận định đợt bùng phát dịch Covid-19 mới đây ở TP.HCM chỉ là đốm lửa nhỏ. Tuy nhiên, BS Cấp cũng nhấn mạnh rằng, ý thức của người dân là yếu tố quyết định đến tình hình dịch.

Dịch Covid-19 tại TP.Hồ Chí Minh: Sự nguy hiểm của nguồn lây vô hình - 2

BSCKII. Nguyễn Trung Cấp (bên phải), Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội)

"Nếu mọi người đều tuân thủ tốt khuyến cáo phòng chống dịch của Bộ Y tế, thì chúng ta có thể dập được dịch Covid-19 khi nó chỉ là đốm lửa nhỏ. Ngược lại, nếu không may có người cố tình trốn cách ly, giấu lịch sử dịch tễ, không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch thì Covid-19 có thể phát tán rộng ra. Lúc này việc dập dịch sẽ tốn sức người, sức của hơn rất nhiều", BS Cấp phân tích.

Ca bệnh không có triệu chứng: "Tảng băng chìm" nguy hiểm

Trong số 4 ca Covid-19 mới đây tại TP. Hồ Chí Minh, chỉ có nam tiếp viên hàng không (BN1342) ghi nhận có triệu chứng như ho, sốt, đau họng. Tuy nhiên, những triệu chứng này chỉ khởi phát sau khi bệnh nhân đã lây nhiễm cho người tiếp xúc gần, trong thời gian tự cách ly tại nhà.

"Các ca Covid-19 không có triệu chứng là "nỗi sợ" của các nhà dịch tễ", BS Cấp nhận định.

Dịch Covid-19 tại TP.Hồ Chí Minh: Sự nguy hiểm của nguồn lây vô hình - 3

Vì không có biểu hiện nên người bệnh không biết mình đã mắc bệnh, dễ dẫn đến tâm lý chủ quan, không chấp hành nghiêm các phương pháp phòng dịch

Theo phân tích của chuyên gia này, bệnh nhân không có triệu chứng vẫn có khả năng lây Covid-19 cho người tiếp xúc gần. Trong khi đó, vì không có biểu hiện nên người bệnh không biết mình đã mắc bệnh, dễ dẫn đến tâm lý chủ quan, không chấp hành nghiêm các phương pháp phòng dịch.

Đồng quan điểm, TS.BS Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay: "Có khoảng 30-40% các ca mắc Covid-19 không có triệu chứng. Khi không thể nhận diện được người có khả năng lây bệnh, chúng ta sẽ khó có biện pháp phòng hộ đúng cách. Chính vì thế, đây là một đặc điểm nguy hiểm về mặt dịch tễ của Covid-19".

Dịch Covid-19 tại TP.Hồ Chí Minh: Sự nguy hiểm của nguồn lây vô hình - 4

TS.BS Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Các chuyên gia quốc tế cũng đánh giá, ca bệnh không triệu chứng là "tảng băng chìm" nguy hiểm của đại dịch. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ nhận định, tỉ lệ lớn các ca bệnh "vô hình" là một trong những nguyên nhân chính khiến dịch Covid-19 lây lan với tốc độ chóng mặt ở quốc gia này.

Không ít ý kiến cũng cho rằng, lý do Covid-19 có thể "xâm chiếm" thế giới với tốc độ vượt trội so với những "họ hàng gần" là  SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) hay MERS (Hội chứng hô hấp Trung Đông), chính là nhờ những ca lây nhiễm "vô hình" này. Nhiều nghiên cứu chỉ ra, người nhiễm virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan cho người khác mạnh nhất trong khoảng thời gian từ 1 đến 3 ngày, trước khi xuất hiện triệu chứng điển hình, trong khi đó SARS và MERS không lây lan trong thời kỳ ủ bệnh.

Tiềm ẩn nguy cơ "dịch chồng dịch" vào mùa đông xuân

BS Điền nhận định, Việt Nam là một nước nhiệt đới nên mùa đông vừa lạnh vừa có mưa phùn. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi cho các virus đường hô hấp, trong đó có virus SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, vào mùa lạnh hệ hô hấp của chúng ta nếu không được giữ ấm sẽ bị giảm sức đề kháng, khiến mầm bệnh dễ xâm nhập hơn.

Dịch Covid-19 tại TP.Hồ Chí Minh: Sự nguy hiểm của nguồn lây vô hình - 5

Theo quy luật hàng năm, vào mùa đông - xuân, các bệnh liên quan đến virus lây qua đường hô hấp như cúm mùa, cúm gia cầm, sởi, thủy đậu, rubella đều tăng mạnh. Đối với Covid-19, nghiên cứu và thực tế cũng đều đã xác nhận thời tiết lạnh giúp virus SARS-CoV-2 sống lâu hơn ngoài môi trường, nên có nguy cơ bùng phát và lây lan mạnh hơn.

Do đó, nêu chúng ta chủ quan, lơ là không kiểm soát tốt Covid-19 có thể dẫn đến nguy cơ "dịch chồng dịch" trong mùa đông năm nay.

"Ở nhiều khu vực trên thế giới như Mỹ, châu Âu hay châu Á đều đang tái bùng phát các làn sóng mới về Covid-19. Mặc dù chúng ta đã có những hạn chế nhất định về mặt giao thương nhưng không thể đóng cửa hoàn toàn với bên ngoài. Thực tế, vẫn liên tục có các chuyên gia nhập cảnh hay người xuất khẩu lao động, du học sinh được "giải cứu" về nước. Đây là điều kiện để dịch có thể xâm nhập vào Việt Nam. Do đó, người dân không thể chủ quan mà phải thực hiện tốt khuyến cáo 5 K của Bộ Y tế", BS Điền phân tích.