Đỉa có thể sống khỏe ở bất kể bộ phận nào của cơ thể!

(Dân trí) - “Đỉa trâu sống ký sinh, sinh sản phát triển ngay trong cơ thể động vật và có sức sống khá mãnh liệt trong nhiều môi trường. Nếu như ở trong bộ phận sinh dục của phụ nữ lâu, sẽ dẫn đến vô sinh”, ThS. BS. Lê Thế Vũ, BV Phụ sản Hà Nội, cho biết.

 

Chị Đinh Thị Liên người “đẻ” ra đỉa diễn tả lại con đỉa chui từ trong cơ thể ra to bằng bắp tay.
Chị Đinh Thị Liên người “đẻ” ra đỉa diễn tả lại con đỉa chui từ trong cơ thể ra to bằng bắp tay (Ảnh: Minh Hậu)

 

Sau bài đăng Cả làng xao động vì chuyện một phụ nữ “đẻ” ra đỉa, phóng viên Dân Trí tiếp tục có cuộc trao đổi với Bác Sĩ Lê Thế Vũ, bệnh viện Phụ sản Hà Nội về tác hại của việc đỉa chui vào sống ký sinh trong vùng kín qua trường hợp của chị Đinh Thị Liên. Người đàn bà quê Nghệ An đã “đẻ” ra đỉa sau 2 tháng sống ký sinh.

 

Khi đỉa hút máu, cơ thể của đỉa có thể phình lớn gấp 5 lần kích thước bình thường của nó. Vì thế chị Liên mới thấy con đỉa chui ra có chiều dài khoảng 15cm, to bằng cổ tay người lớn, đường kính khoảng 5cm.

 

BS Vũ cho biết: “Ở đâu đỉa có thể hút máu và sinh trưởng thì đó đều là môi trường đỉa sinh sống được, không kể là bộ phận nào của cơ thể con người. Chính vì thế mà cơ thể người phụ nữ sẽ bị ảnh hưởng vì thiếu máu, sức khỏe không đảm bảo và cơ quan sinh dục nơi đỉa sinh sống sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp”.

 

Khi đỉa sinh sống trong bộ phận sinh dục nữ nó sẽ hút máu, khiến cho cơ thể người yếu hơn bình thường, có thể rơi vào tình trạng mệt mỏi bởi vì bị mất đi một lượng máu nhất định. Mặt khác, vệ sinh và chăm sóc cho sức khỏe của bộ phận sinh dục là việc hết sức quan trọng đối với người phụ nữ. Chỉ cần một vật hay một vết thương nhỏ cũng có thể gây viêm nhiễm bộ phận sinh dục và dẫn đến nguy cơ vô sinh sẽ rất cao. “ Khi đỉa chui vùng kín sinh sống trong đó, sẽ dẫn đến viêm nhiễm bộ phận sinh dục, tắc vòi trứng và điều hiển nhiên là sẽ gây vô sinh”, BS Vũ nói thêm.

 

Để phát hiện đỉa xâm nhập vào vùng kín có thể siêu âm để phát hiện và dùng dụng cụ chuyên dụng gắp ra. Nếu phát hiện chúng xâm nhập bộ phận sinh dục có thể súc bằng nước muối mặn và hít chất cay để chúng tự chui ra.

 

Hiện nay, nếu phát hiện sớm và kịp thời thì việc đỉa chui vào vùng kín phụ nữ vẫn có thể điều trị được. Cần đến cơ sở y tế đế thăm khám và có những biện pháp can thiệp kịp thời để bảo vệ cho bộ phận sinh dục được khỏe mạnh. Tránh những căn bệnh đáng tiếc như viêm nhiễm cổ tử cung, tắc vòi trứng… dẫn đến vô sinh.

 

“Khi lội xuống những vùng nước ngọt hay có đỉa sinh sống thì các bạn nên mặc quần áo bảo hộ, đeo ủng cao, dùng BVS mỏng để tránh cho việc đỉa có thể chui vào vùng kín, gây ra những tác hại không tốt đến sức khỏe sinh sản”, BS Vũ khuyến cáo.

 

Thanh Huyền