"Đi xem" người Italia hiến tạng
(Dân trí) - “Tại sao người dân nơi đây sống đầy đủ, hạnh phúc mà lại chịu cho tạng?” đã nảy ra trong đầu tôi khi đặt chân đến Torino (Italia) trong chuyến học tập kỹ thuật ghép gan ở người cho đã chết não của đoàn cán bộ bệnh viện Việt Đức.
Vì sao người Italia “thích” hiến tạng?
Đoàn chúng tôi đến Torino, Italia vào một chiều hè nắng đẹp. Cảm giác đầu tiên là không khí trong lành, mát dịu; đường phố sạch sẽ, cây cối thẳng tắp, được chăm sóc cẩn thận; phố xá sầm uất; con người thân thiện. Nó chứng tỏ một cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc của người dân nơi đây.
Trong đầu tôi chợt tự hỏi mình: “Sướng thế này thì làm sao mà người ta chịu cho tạng nhỉ?”. Sau này tôi mới hiểu quan niệm sống của người dân trong một xã hội mà ý thức trách nhiệm của họ rất cao thật khác mình: mang lại niềm hạnh phúc cho người khác là điều họ luôn mong muốn và cố gắng kể cả khi đã từ giã cõi đời.
Quan niệm của người Châu Âu về thể xác rất đơn giản, khi họ chết đi mà một phần cơ thể của họ còn tồn tại tức là họ vẫn tồn tại. Một người hiến tạng có thể cứu ít nhất 1 bệnh nhân cần ghép gan (nếu gan đó chia làm 2 thì được 2 người), 2 bệnh nhân ghép thận, 1 bệnh nhân ghép tim, rồi ghép phổi, tụy, giác mạc,… Tựu chung lại là có thể mang lại hạnh phúc cho rất nhiều người không như lấy tạng ở người cho khoẻ mạnh, chỉ có thể cho 1 người.
Các bác sĩ Việt Nam đang tham gia 1 ca lấy tạng tại Torino (Italia)
Luật pháp ở Italia quy định người hiến tạng là tự nguyện, gia đình, họ hàng không có bất cứ khoản chi trả nào của nhà nước cũng như người nhận tạng và người nhận tạng cũng không mất tiền, không được biết mình đã nhận tạng của ai, mọi chế độ của người bệnh đã có bảo hiểm chi trả toàn bộ.
Một trung tâm nhỏ phẫu thuật tới 3 ca ghép tạng/ngày
Ngày đầu đến bệnh viện, chúng tôi thấy “choáng váng” về cách tổ chức của họ: một trung tâm chỉ với 30 giường bệnh nhưng có thể ghép tạng cho 3 bệnh nhân trong 1 ngày. Trong khi đó, chúng ta phải chuẩn bị rất lâu mới có thể tiến hành được 1 ca ghép gan.
Cát bụi lại trở về với cát bụi, cuộc sống sẽ mãi nối tiếp, số phận con người không ai có thể định đoạt trước được. Nhưng có một điều mà tôi và bạn có thể làm cho đồng loại của mình khi số phận không mỉm cười với chúng ta đó là hiến tạng - một nghĩa cử cao đẹp. |
Một trường hợp đặc biệt mà tôi không thể quên là một cậu bé người Maroc (6 tuổi) được nhận gan của 1 em bé người Pháp (1 tuổi) chết vì tai nạn giao thông. Chúng tôi thực sự xúc động trước nghĩa cử cao đẹp của cha mẹ em bé: họ muốn góp phần giảm bớt những người bố, người mẹ có con đang mòn mỏi chờ được ghép tạng không phải chịu cảnh đau khổ mất con.
Nhưng ấn tượng nhất là được cùng các đồng nghiệp nước ngoài ở bên người cho tạng những giây phúc cuối cùng. Do đặc thù các ca ghép tạng được tiến hành vào buổi sáng nên công việc lấy tạng hầu hết diễn ra vào ban đêm. Chúng tôi rời trung tâm với đầy đủ dụng cụ y khoa giữa đêm khuya khoắt để đến bên một phụ nữ đang nằm trên bàn mổ nhưng đã chết não (còn thở chỉ là nhờ sự hỗ trợ của máy móc). Chỉ một lát nữa thôi sự sống sẽ thật sự khép lại với người phụ nữ này nhưng khi bình minh, sẽ là lúc sự sống trở lại với những số phận được nhận một phần cơ thể của họ. Tôi nhủ thầm: “Mong bà hãy yên nghỉ giấc ngủ ngàn thu. Cuộc sống của bà thật ý nghĩa vì đã mang lại hạnh phúc cho những người đang rất cần một trái tim, lá gan, quả thận… khỏe mạnh mới”.
Vị giáo sư đáng kính
Đó là Giáo sư Mauro Salizzoni, Giám đốc Trung tâm ghép gan tại bệnh viện Saint Giovani Batista (Torino - Cộng hoà Italia). Ông là một người rất hiểu Việt Nam bởi đã có thời gian dài ông học tập tại Việt Nam, được các Giáo sư Việt Nam như GS Tôn Thất Tùng, GS Nguyễn Dương Quang,… chỉ bảo tận tình. Có lẽ vì thế, ông đã giúp đỡ chúng tôi trong việc nhận và đào tạo bác sỹ; tạo mọi điều kiện cho chúng tôi làm việc trong trung tâm ghép gan hàng đầu Châu Âu.
Ông luôn hỏi chúng tôi về kế hoạch ghép gan ở người cho chết não của bệnh viện Việt Đức. Tôi nói với ông rằng khó lắm thưa GS, chúng tôi không sợ về chuyên môn bởi các bác sỹ bệnh viện chúng tôi được đi đào tạo ở nhiều nước trên thế giới, làm được nhiều phẫu thuật rất khó và bệnh viện chúng tôi là bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam ghép gan trên người lớn ở người cho khoẻ mạnh. Cái chúng tôi sợ là khó khăn khi lấy tạng ở người cho chết não, bởi vì với phong tục tập quán của chúng tôi thì không dễ gì lấy được tạng, kể cả có người hiến tạng thì những rào cản lại ở chính những người bà con họ hàng của người cho. Một cái nhún vai thật khẽ, nhưng cả ông và tôi đều hiểu rằng khó không có nghĩa là không thể làm được |
BS Phạm Thế Anh - BV Việt Đức