1. Dòng sự kiện:
  2. Sữa giả tung hoành thị trường
  3. Chuyện 18

Dị vật ở họng, xử lý như thế nào?

(Dân trí) - Dị vật ở họng gặp cả ở người lớn và trẻ em. Nếu dị vật ở ngay bên ngoài có thể lấy ra dễ dàng, nhưng khi bị vào sâu trong họng, nếu lấy tay hay vật cứng móc, ngoáy họng sẽ gây nên những tai biến: viêm thanh quản, viêm tấy có mủ, sưng tấy vùng cổ bên…

Dị vật ở họng thường hay gặp nhất: do ăn thức ăn có xương, nhai nuốt vội dẫn đến hóc xương cá, xương gà và thức ăn; trẻ em cho đồ chơi vào miệng, bị ho, nói, sặc nên rơi vào họng; thậm chí răng giả, hàm giả cũng có thể bị vướng ở họng.

 

Triệu chứng cơ bản nhất khi bị dị vật ở họng là nuốt vướng, đau, nhất là khi ăn uống lại càng đau hơn.

 

Khi bị dị vật ở họng, không nên dùng ngón tay khoắng họng dễ gây tổn thương niêm mạc, gãy đầu ngoài dị vật khiến việc tìm dị vật càng khó khăn hơn.

 

Có nhiều trường hợp, trong khi đi mò cá, bắt được con cá sống (thường là cá rô), có người đưa ngay con cá lên miệng ngậm để giữ cá, khi con cá giẫy liền bị tuột vào họng. Trường hợp này có thể dễ dàng thấy một phần thân cá ở miệng, nhưng nếu cố gắng lấy con cá ra (kẹp vào thân hay đuôi cá) khiến cá càng giẫy mạnh hơn, lách sâu xuống gây tổn thương vùng hạ họng, thậm chí có thể gây khó thở cấp. Lúc này cần đưa ngay người bị nạn tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ lấy dị vật ra khỏi họng.

 

Để phòng tránh bị dị vật trong họng, cần phải thận trọng khi ăn uống, nhai kỹ thức ăn, nhất là ăn thức ăn có xương nhỏ. Đặc biệt, với trẻ nhỏ càng phải cẩn thận hơn. Đôi khi chỉ vì một hạt lạc, trẻ có thể bị hóc gây ngạt thở. Luôn để ý, ngăn ngừa trẻ, không cho trẻ ngậm đồ chơi, đồ vật nhỏ dễ trôi vào họng.

 

Hồng Hải