Dị vật đường thở bị bỏ quên ở trẻ
(Dân trí) - Dị vật đường thở hay gặp ở trẻ em lứa tuổi 2-3 tuổi. Có những trường hợp có biểu hiện rõ ràng nhưng cũng có trường hợp, trẻ tự vượt qua được mà cha mẹ không biết và phải vài tháng sau, khi triệu chứng đã rất nặng, mới được đưa đi cấp cứu.
Bác sĩ Đặng Nhật Minh, khoa Nội soi Viện Lao và Bệnh phổi TƯ cho biết: dị vật đường thở (DVĐT) cũng gặp ở lứa tuổi nhỏ hơn nhưng chủ yếu là sặc bột, sặc nước hoặc sặc thuốc đã hòa thành dịch mà người lớn cho trẻ uống một cách bất cẩn hay quá nóng vội. Những trường hợp này thường được xử trí ngay.
Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp dị vật bị bỏ quên và xảy ra nhiều ở trẻ từ 2-3 tuổi trở lên do trẻ chơi một mình, khi hít phải dị vật, dù có xuất hiện hội chứng xâm nhập nhưng trẻ qua được cơn co thắt và thoát chết mà người lớn không biết.
Ví như trường hợp cháu Đặng Thị N,12 tuổi, trú tại thôn Hoàng Giang, xã Yên Thùy, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định được tuyến dưới chuyển đến khoa Nhi Viện Lao và Bệnh phổi TƯ Hà Nội ngày 3/4/06 vì nghĩ đến lao phổi với các triệu chứng sốt, ho, khạc đàm kéo dài hơn 1 tháng kèm ăn kém, sút 4kg. Tuy nhiên nội soi cho thấy một mảnh xương lợn đang nằm trong đường thở và cô bé lúc này mới thú nhận là đã hóc xương lợn cách ngày nhập viện khoảng 3 tháng nhưng sợ bố mẹ mắng nên không nói ra.
Theo bác sĩ Minh: Khi trẻ bị sặc, dù đã qua cơn nguy hiểm nhưng cha mẹ cũng nên để ý hoặc đưa con đến bệnh viện để kiểm tra tránh tình trạng dị vật lọt vào phổi gây nguy hiểm đến tính mạng.
Nếu trẻ không may nuốt dị vật và bị lọt vào hệ hô hấp, các bác sĩ sẽ áp dụng biện pháp nội soi mềm, công cụ chẩn đoán hàng đầu và có tỉ lệ thành công trong việc lấy dị vật từ 86 -100%.
Phạm Thanh