Dị ứng - Nguy cơ gây sa sút tinh thần
(Dân trí) - Do tác động từ nhiều phía: Từ sự ô nhiễm môi trường (khói bụi) ngày càng nhiều đến thực phẩm lạm dụng các hóa chất trong nuôi trồng và bảo quản… Và kể cả tâm lý chủ quan của người bệnh… đã khiến bệnh dị ứng trở thành căn bệnh khá phổ biến hiện nay.
Ảnh hưởng đến chất lượng sống
Dị ứng khiến rối loạn giấc ngủ dẫn đến bệnh nhân mệt mỏi và hiệu suất làm việc kém – đó là những khuyến cáo của giới chuyên môn vừa được đưa ra tại một hội thảo chuyên ngành vừa được tổ chức tại TPHCM. Giới chuyên môn ghi nhận tình trạng dị ứng nhẹ rất phổ biến, thể hiện qua các triệu chứng như viêm kết mạc dị ứng, ngứa và chảy nước mũi….
Thực tế cũng có những dị ứng nặng với các chất gây dị ứng trong môi trường, một số loại thức ăn hoặc một số thuốc y dược có thể gây phản ứng phản vệ (sốc phản vệ) đe dọa đến tính mạng. Và dù ở các mức độ khác nặng nhẹ khác nhau, nhưng dị ứng luôn khiến người bệnh bị sa sút tinh thần, và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống…
BS Trần Thiên Tài cho biết một số dấu hiệu để phân biệt tình trạng dị ứng với một số bệnh có triệu chứng tương tự. Cụ thể, với viêm mũi dị ứng thì thường xảy ra theo mùa, tình trạng bệnh thường nhẹ nhưng lại kéo dài, có khi vài ngày nhưng cũng có khi vài tháng. Còn cảm cúm thường xảy ra từ 3-14 ngày và sau đó tự khỏi.
BS Trần Thiên Tài đang tư vấn tại chương trình “Khám và tư vấn miễn phí bệnh viêm mũi dị ứng và các bệnh về da do dị ứng” do Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam, BV ĐH Y Dược TPHCM vừa phối hợp cùng Merck Sharp & Dohme (Asia) tổ chức
Đừng xem thường mà bỏ qua triệu chứng dị ứng
Thực tế, dị ứng là một trong bốn hình thức của chứng quá mẫn cảm. Nó kích hoạt quá mức các dưỡng bào (bạch cầu mast) và một loại kháng thể được gọi là IgE, dẫn đến một phản ứng viêm nặng thông thường bao gồm chàm, phát ban, tiêu chảy, lên cơn hen suyễn. Nguyên nhân gây dị ứng có thể ở trong không khí, thức ăn, hóa mỹ phẩm, thuốc và nọc độc của côn trùng như ong, muỗi, kiến…
Trên thực tế còn nhiều người tiêu dùng và ngay cả một số bác sỹ, dược sỹ vẫn có sự nhầm lẫn giữa bệnh cảm cúm với viêm mũi dị ứng, bởi chúng có các triệu chứng giống nhau liên quan đến mũi. Kết quả khảo sát cũng cho thấy chỉ có khoảng 30 - 50% người bị viêm mũi dị ứng sử dụng đúng thuốc đặc trị - giới chuyên môn đưa ra lời khuyến cáo.
ThS. BS Trần Thị Thanh Mai, Giảng viên Bộ môn Da liễu, ĐH Y Dược TPHCM cũng đưa ra khuyến cáo: “Nhiều người thường cho rằng dị ứng chỉ gây khó chịu chứ không nguy hiểm vì vậy thường bỏ qua hoặc tự mua thuốc điều trị khi có bệnh. Việc sử dụng thuốc không đúng khi bị dị ứng sẽ có thể làm cho bệnh kéo dài và làm nặng thêm các triệu chứng dị ứng. Đã có những trường hợp tử vong rất đáng tiếc do dị ứng thuốc”.
Trong khi đó, cho đến nay, chưa có biện pháp nào chữa khỏi hoàn toàn bệnh dị ứng mà chỉ có vài loại thuốc có thể điều trị giúp giảm triệu chứng dị ứng, để người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn, kiểm soát tình trạng bệnh mà không ảnh hưởng đến chất lượng sống, kể cả hiệu quả công việc…
Điều tiên quyết trong điều trị dị ứng là nhận biết tác nhân gây dị ứng để phòng tránh. Người bệnh cũng cần tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng đặc hiệu đã biết, có thể là: Cây trồng trong nhà, vài loại thức ăn. Đôi khi thủ phạm là chó, mèo hoặc các loại thú cưng khác. Để hạn chế dị ứng, tránh lạm dụng máy lạnh, làm việc thường xuyên hoặc ngủ với máy lạnh, tránh tắm đêm. Nên giữ vệ sinh môi trường sống, thường xuyên diệt trừ gián, mạt, côn trùng; Nên đeo khẩu trang khi đi đường… (BS Trần Thiên Tài – BV Đại học Y Dược TPHCM) |
Thái Thảo