Đi chợ online mua thực phẩm tết, coi chừng rước họa
(Dân trí) - Nhu cầu thực phẩm đang tăng đột biến trong dịp Tết Nguyên Đán, các siêu thị, chợ truyền thống việc mua sắm của người dân trên online cũng nhộn nhịp. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cảnh báo, thực phẩm chợ online tiềm ẩn nhiều nguy cơ không rõ nguồn gốc, kém chất lượng.
Cùng với sự phát triển của mạng internet việc kinh doanh các sản phẩm thực phẩm thông qua kênh online như các trang web thương mại điện tử hoặc mạng xã hội đang phát triển với tốc độ nhanh chóng. Hoạt động kinh doanh các mặt hàng thực phẩm online càng trở nên sôi động trong những ngày gần đến Tết Nguyên Đán với nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá. Các mặt hàng thiết yếu phục vụ tết từ bánh chưng, bánh tét, giò chả, xúc xích, bánh kẹo… “thượng vàng, hạ cám” đủ loại đang như ma trận với người tiêu dùng trên chợ online.
Theo Điều 3.1 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử quy định “là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác”.
Hiện nay kinh doanh online đang là xu hướng mới mang lại nhiều tiện ích giúp người tiêu dùng tiết kiệm được chi phí so với hoạt động kinh doanh truyền thống như chi phí mặt bằng, nhân viên, chi phí vận hành... Người bán chỉ cần “thuê gian hàng ảo” trên một trang web thương mại điện tử hoặc tự mình “giới thiệu, quảng bá” sản phẩm trên trang cá nhân của mạng xã hội. Người tiêu dùng có thể ngồi tại nhà tìm kiếm những sản phẩm mình cần (đi chợ online) và yêu cầu người bán giao hàng đến tận nhà.
Tuy nhiên, việc kinh doanh hàng hóa đặt biệt là các mặt hàng thực phẩm trên không gian mạng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng. Ban Quản lý An toàn Thực phẩm, TPHCM cho biết, sản phẩm thực phẩm là nhóm hàng hóa được sản xuất, kinh doanh có điều kiện, cần quản lý, giám sát chặt chẽ. Nhưng thực tế, những quy định của pháp luật và việc giám sát, thực thi các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm chưa theo kịp đời sống.
Hiện nay, người bán thực phẩm online thường là cá nhân và không đăng ký kinh doanh do không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật hiện hành. Do đó, người bán có thể tự do thay đổi thông tin địa điểm kinh doanh mà người tiêu dùng không thể lường trước được.
Thông tin liên lạc cùng danh tính thực sự của người bán chưa rõ ràng và xác thực. Người tiêu dùng rất khó kiểm tra được chất lượng do sản phẩm được đơn vị giao nhận gửi đến và bao gói rất kỹ khi giao. Các sản phẩm bán qua mạng thường không kèm theo chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và hợp pháp theo quy định pháp luật hiện hành.
Để tránh rủi ro cho người tiêu dùng khi mua phải những sản phẩm không đảm bảo chất lượng, sản phẩm tồn dư hóa chất độc hại trong dịp Tết Nguyên Đán, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm, TPHCM khuyến cáo khi mua hàng cần: Tìm hiểu kỹ các thông tin về sản phẩm thực phẩm mà mình muốn tiêu dùng về chủng loại sản phẩm (thực phẩm tươi sống, thực phẩm sơ chế hay thực phẩm đã chế biến); thành phần cấu thành nên sản phẩm, giá trị dinh dưỡng (bằng chứng khoa học về khả năng mang lại giá trị cho người sử dụng); yêu cầu về chất lượng sản phẩm theo quy định, thời điểm sản xuất, hướng dẫn sử dụng đối với từng loại sản phẩm và điều kiện bảo quản…
Ngoài ra, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về cơ sở sản xuất, kinh doanh những sản phẩm mình đang có nhu cầu mua qua các thông tin về địa điểm đăng ký kinh doanh hoặc địa chỉ cư trú của thương nhân, điện thoại, email… và có thể kiểm chứng được thông tin.
Vân Sơn