Đẹp không tì vết với tiêm filler: Con dao 2 lưỡi
(Dân trí) - Nhiều người nghĩ tiêm filler đơn giản, ngay lập tức có gương mặt đẹp không tì vết, không đau. Tuy nhiên, bác sĩ thẩm mỹ cảnh báo việc tưởng đơn giản này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, thậm chí là tử vong.
Filler hay chất làm đầy được sử dụng trong dịch vụ thẩm mỹ ngày càng nhiều vì kỹ thuật khá đơn giản, ít đau, hiệu quả tức thì, không phải trải qua phẫu thuật. Thậm chí nó còn được quảng cáo với những lời mỹ miều như "Đẹp hoàn hảo, đẹp không tì vết", "Làm đẹp không đau, an toàn, đẹp ngay tức thì"…
Nhiều người cũng nghĩ tiêm filler đơn giản, an toàn, chỉ tiêm tê, tiêm vào là lập tức có gương mặt đẹp không tì vết, căng bóng.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ thẩm mỹ Tống Hải, Chủ nhiệm khoa Vi phẫu và Tái tạo, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Tái tạo, Bệnh viện Bỏng quốc gia (Hà Nội), quan niệm này là không đúng. Filler đúng là cuộc cách mạng làm đẹp nhưng nó không thần kỳ như nhiều người vẫn nghĩ.
Nó giúp hỗ trợ hầu hết cho các vấn đề thẩm mỹ nhưng chính vì sự đa dạng, nhiều hãng khiến người dùng hoang mang và đôi khi lựa chọn nhanh để làm đẹp. Điều này dẫn đến rất nhiều biến chứng khi sử dụng sản phẩm giá trị thấp và tiêm số lượng lớn.
"Tiêm filler tuy đơn giản nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Tiêm vào mạch máu có thể dẫn đến tắc mạch một vùng hoặc một cơ quan, gây nhiễm trùng và áp xe vùng tiêm nếu quá trình tiêm không đảm bảo vô khuẩn, gây dị ứng muộn với chất filler…", TS Hải nói.
Theo chuyên gia, biến chứng nặng nề nhất do tiêm filler là tắc mạch, đặc biệt là mạch trung tâm nhãn cầu, gây giảm thị lực. Bản thân bác sĩ cũng gặp nhiều ca cần tiêm thuốc giải, chống nhiễm khuẩn và dị ứng để điều trị những biến chứng đó.
Bên cạnh đó, việc tiêm filler quá nhiều lần cũng không tốt vì làm bóc tách liên kết dưới da do tạo khoang với filler. Về lâu dài sẽ gây chảy sệ không hồi phục, do đó lại cần tiêm liên tiếp.
TS Hải cho biết, chất làm đầy được cơ thể chuyển hóa và hấp thu từ từ. Để hạn chế nguy cơ, chúng ta nên sử dụng chất làm đầy đã được cơ quan quản lý cấp phép. Ví dụ, filler xịn, nguồn gốc rõ ràng như của Hàn có giá 3-5 triệu đồng mỗi ml, trong khi đó loại của Pháp, Mỹ, Thụy Điển có giá lên đến 6-10 triệu đồng mỗi ml.
Không tiêm filler để nâng ngực, độn mông
TS Hải đặc biệt lưu ý chị em nếu tiêm filler chỉ nên chọn vùng tiêm nhỏ như gốc mũi, môi, thái dương và cằm…, hoặc tiêm filler trẻ hóa da dạng cách thức như meso… Không được tiêm filler nhất là số lượng lớn để nâng ngực, độn mông.
Thực tế, không ít trường hợp đã gặp biến chứng nặng nề, thậm chí là tử vong khi tiêm filler nâng ngực.
Tiêm filler nâng ngực có thể dẫn đến nhiều hậu quả, nhẹ thì bệnh nhân bị sưng đỏ, bầm tím, đau, dị ứng (ngứa, phát ban) vùng ngực. Trường hợp nặng nếu tiêm vào mạch máu, động mạch có thể gây tắc mạch và hoại tử mô xung quanh vùng ngực, tuyến vú núm vú, về sau gây biến dạng vú trầm trọng.
Nếu tiêm vào tĩnh mạch, filler có thể theo về phổi gây thuyên tắc mạch phổi, phù phổi cấp, suy hô hấp, dẫn đến tử vong. Các trường hợp bị sốc phản vệ do tiêm filler khá hiếm gặp", BS Hải phân tích.
Ngoài ra, các nạn nhân có thể bị biến chứng muộn là hoại tử vùng ngực (hoại tử tuyến sữa, mô mềm, da, núm vú), có thể nhiễm trùng máu dẫn đến tử vong.
Bác sĩ khuyên chị em khi có nhu cầu thẩm mỹ nên đến gặp chuyên gia tư vấn (bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, bác sĩ da liễu thẩm mỹ…), hỏi tất cả các câu hỏi mình thắc mắc, đặc biệt là nguy cơ biến chứng.
Đồng thời, lưu ý lựa chọn cơ sở được cấp phép, bác sĩ có tay nghề kinh nghiệm, chuyên sâu về phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ để làm.
Sau khi làm thủ thuật chị em cũng cần được theo dõi, chăm sóc chuẩn y khoa, không phải cứ làm xong là đẹp. Bên cạnh đó là theo dõi xa những vấn đề nguy cơ gây tác động đến quá trình can thiệp vào cơ thể.