Đề xuất tích hợp đăng ký hiến tạng trên bằng lái xe, căn cước công dân

Hà An

(Dân trí) - Để tăng số lượng người đăng ký hiến tạng, nhiều ý kiến đề xuất tích hợp đăng ký hiến tạng qua bằng lái xe và căn cước công dân.

Tại hội thảo về đăng ký hiến và phòng, chống mua bán mô, bộ phận cơ thể người diễn ra ngày 6/2, nhiều ý kiến đề xuất và cần sửa đổi luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Trong đó bổ sung hình thức đăng ký và cấp thẻ đăng ký hiến tặng mô tạng, tích hợp trên bằng lái xe hoặc căn cước công dân.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia cho rằng việc này sẽ giúp tăng lượng người đăng ký hiến tạng lên nhiều lần. Khi người dân thi bằng lái xe hoặc làm căn cước công dân sẽ được hỏi về việc có đồng ý hiến tạng hay không. Nếu người trưởng thành đồng ý hiến tặng sẽ được tích hợp thông tin bằng hình ảnh biểu tượng hoặc chữ hiến tạng (hoặc cả hai) trên bằng lái xe hoặc căn cước công dân tạo hình ảnh nhân văn.

Đề xuất tích hợp đăng ký hiến tạng trên bằng lái xe, căn cước công dân - 1

Nhiều ý kiến đề xuất tích hợp thông tin đăng ký hiến tạng trên bằng lái xe, căn cước công dân (Ảnh minh họa: G.L)

Đồng thời, việc tích hợp cũng thuận lợi xác định tâm nguyện người hiến tạng chết não (trong các trường hợp tai nạn giao thông hoặc các hoàn cảnh khác có liên quan). Như vậy sẽ giúp tăng nguồn hiến tạng mô, tạng từ người chết não, hạn chế tệ nạn mua bán tạng từ người hiến sống.

Để tăng nguồn hiến mô tạng từ nguồn chết não, nhiều ý kiến cũng đề xuất không giới hạn độ tuổi với người hiến chết não. Tuy nhiên với nguồn hiến tạng từ người cho sống cần tăng độ tuổi người hiến sống không cùng huyết thống lên 30 thay vì 18 tuổi như quy định hiện nay.

Đến ngày 31/12/2022, cả nước có 63.552 trường hợp đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não và đã thực hiện ghép được 8 loại bộ phận cơ thể người với hơn 7.000 ca ghép tạng. Trong đó, số người được ghép thận nhiều nhất với hơn 6.000 người.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, nhu cầu ghép mô, bộ phận cơ thể người ở Việt Nam là rất lớn. Ước tính có hàng chục nghìn người cần ghép thận, ghép gan, hàng nghìn người cần ghép tim và các mô, bộ phận cơ thể khác. Nhu cầu đang ngày một tăng, trong khi nguồn hiến lại khan hiếm.

Nguồn tạng hiến từ người cho sống lại đang chiếm chủ yếu với hơn 90% tổng số ca ghép tạng. Bên cạnh đó, các hoạt động hợp pháp cũng đã nảy sinh các hành vi mua bán, môi giới mô, bộ phận cơ thể người, để lại hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải hoàn thiện thể chế pháp lý và các giải pháp tổ chức thực hiện để đồng bộ các biện pháp, góp phần ngăn chặn, phòng, ngừa hành vi mua bán mô, bộ phận cơ thể người ở nước ta trong thời gian tới.

Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cũng đề xuất rà soát, bổ sung các hành vi nghiêm cấm liên quan đến mua bán mô, bộ phận cơ thể người trong bộ luật Hình sự, tăng cường công tác quản lý Nhà nước và phối hợp liên ngành trong phòng chống mua bán bộ phận cơ thể người. Đồng thời chỉnh sửa các tiêu chuẩn về chết não cho phù hợp quy trình, đảm bảo tính khả thi…