Đề xuất đưa quyền được chết vào luật: Nhiều tranh cãi!

(Dân trí) - Sau khi Bộ Y tế lên tiếng về việc đề xuất quyền được chết vào Bộ luật dân sự, có rất nhiều ý kiến tranh cãi về vấn đề này của chính những bác sĩ, thân nhân người bệnh.

Sau khi Bộ Y tế lên tiếng về đề xuất này, có rất nhiều quan điểm trái chiều của cả bệnh nhân, thân nhân người bệnh, bác sĩ về vấn đề này.

Kéo dài sự sống là nhân văn!

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, ông không ủng hộ đề xuất này. Bởi cá nhân ông cho rằng chết là tính huống xấu nhất. Với bất cứ bệnh nhân nào, dù bệnh nan y như thế nào các bác sĩ phải là người giúp họ cố gắng kéo dài sự sống, chứ không phải là nghĩ đến “cái chết nhân đạo” để dừng lại cuộc sống của người bệnh.

PGS Dũng chia sẻ thêm, ông từng đi thăm nhiều bệnh viện ở nhiều nước, từng chứng kiến nhiều người bệnh đau đớn, sống thực vật; những đứa trẻ mắc bệnh hiểm nghèo nhưng các bác sĩ vẫn nỗ lực hết sức để giúp bệnh nhân kéo dài sự sống, sống thêm được ngày nào là hay ngày đó. Người đang sống lo cho những người có cuộc sống không may mắn như vậy là điều hết sức nhân văn.

Ngay tại khoa Nhi, trong vụ dịch sởi hồi tháng 4/2014, cũng đã không biết bao nước mắt của gia đình bệnh nhi xin cho con về vì thấy con khó cứu chữa. “Nhưng chúng tôi luôn thuyết phục họ, còn dù một cơ hội cũng phải cố. Cũng có những gia đình “xem ngày xem tháng” nói con không qua khỏi, xin bác sĩ rút máy thở. Chúng tôi không ai dám làm điều đó. Thuyết phục không nổi, chúng tôi nói gia đình nếu muốn thì phải tự tay rút máy thở cho trẻ. Tất nhiên trong số bệnh nhân nặng ấy, cũng có những bệnh nhi đã không thể qua khỏi sau một thời gian điều trị nhưng cả bác sĩ, người nhà đều không ân hận bởi đã làm hết sức. Cũng có những phép màu, khi có những bệnh nhân may mắn qua khỏi một cách diệu kỳ”, PGS Dũng nói.

Còn theo BS Phạm Đình Tuấn, Phòng khám ung thư Trung tâm Y tế lao động Thái Hà, người đã gặp 3 bệnh nhân mong muốn xin bác sĩ cho được chết vì không thể chịu đựng nỗi đau đớn do ung thư giai đoạn cuối, di căn nhiều nơi, suy tim, suy thận, suy gan- không một loại thuốc nào có thể cứu được. Mỗi khi hết liều morphin giản đau họ đau đớn, vật vã, có người cần tiêm đến 24 ống morphin để giảm đau để rồi đếm từng ngày, chờ đợi cái chết trong đau đớn vật vã đó.

“Kết thúc cái chết cho họ cũng là sự nhân đạo, nhưng tôi cho rằng không nên quy định điều này, vì những vấn đề về đạo đức, tâm linh”, BS Tuấn nói.

Riêng ong Nguyễn Xuân Vinh, Điều dưỡng trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực (BV Việt Đức), rất thẳng thắn bày tỏ sự không ủng hộ cái gọi là quyền được chết. Bởi tại Việt Nam, vấn đề chăm sóc giảm nhẹ chưa được chú trọng. Không chỉ với những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, bệnh nhân chấn thương sọ não mà rất nhiều các bệnh nhân khác cần được quan tâm chăm sóc giảm nhẹ không chỉ trong y tế mà cả các yếu tố tinh thần. 

Những bệnh nhân này khi được chú trọng chăm sóc giảm nhẹ sẽ giúp họ vượt qua nỗi đau, vượt qua nỗi mong muốn “đau quá chết còn hơn” để sống, đón nhận mọi tình huống của cuộc sống một cách nhẹ nhàng hơn.

Ví như với một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, những ngày cuối đời họ vẫn được các bác sĩ thăm hỏi hàng ngày và dùng tất cả thuốc men và dụng cụ cần thiết cho giảm đau, bớt khó thở, thuốc chống suy nhược tinh thần cộng sự quan tâm, chăm sóc về tinh thần sẽ giúp người bệnh can đảm chịu những đau đớn do bệnh mang đến… để rồi sẽ ra đi theo quy luật của tạo hóa.

Vì thế, theo ông Vinh, nếu đầu tư cho chăm sóc giảm nhẹ có thể giúp rất nhiều bệnh nhân vượt qua cảm giác muốn chết vì không chịu nổi đau đớn.

Nhiều BS cho rằng dù còn một cơ hội điều trị cũng phải cố hết lòng vì người bệnh. 
Nhiều BS cho rằng dù còn một cơ hội điều trị cũng phải cố hết lòng vì người bệnh. 

Quyền được chết là nhân đạo!

Chị T.T.Vân, người có mẹ ung thư phổi, chia sẻ với báo Dân trí ngay sau khi có thông tin đề xuất đưa quyền được chết vào luật: “Những ngày cuối cùng của cuộc đời bà, đã qua mấy năm rồi nhưng đến giời tôi vẫn không thể nào quên. Ngày nào mẹ cũng cầu mong được chết vì căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối hành hạ bà đến không ăn, không ngủ được, đau đớn, ho ra máu, sống khổ hơn cả chết.

Nhìn mẹ sống trong đau khổ, lúc ấy dù mới 12 tuổi, dù biết mẹ chết, hai chị em tôi sẽ trở thành trẻ mồ côi, nhưng thấy mẹ như vậy, tôi cũng mong ước muốn của mẹ sẽ thành hiện thực, để bà không còn phải chịu đựng nỗi đau đớn kinh hoàng ấy. 

Nếu có thể kết thúc sự đau đớn ấy một cách nhẹ nhàng, hợp pháp mà không bị xã hội phê phán, tôi ủng hộ. Bởi ai đã từng lâm vào cảnh đó mới biết cái chết cũng là một liều thuốc chữa lành đau đớn cho người bệnh, liều thuốc giúp trái tim những người còn sống bớt đau đớn, dày vò hơn khi phải chứng kiến người thân của mình vật vã vì đớn đau”.

Còn Bác sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật tim mạch Viện Tim mạch quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai), nhìn nhận, quan niệm "còn nước còn tát" là hoàn toàn đúng. Dù có một cơ hội nhỏ nhoi trong điều trị vẫn phải thử, vẫn phải cố đến cùng. 

“Nhưng phải xác định thế nào là còn nước, còn tát. “Nếu trong y học, còn cơ hội còn phải cố. Nhưng về y tế, ví như một bệnh ung thư giai đoạn cuối di căn đau đớn, dằn vặt, sự tồn tại trên cõi đời chỉ tính bằng ngày. Nỗi đau không chỉ với người bệnh, mà nỗi đau đớn ấy cũng ám ảnh gia đình người bệnh, bóp nghẹt tim họ khi chứng kiến nỗi đau khủng khiếp của thân nhân. Khi ấy, nếu người bệnh yêu cầu chấm dứt điều trị, họ có quyền. Còn yêu cầu được chết, tôi cho rằng đó là sự nhân đạo với bệnh nhân", bác sĩ Hùng nói. 

TS Hùng cũng cho rằng, nếu được thông qua thì phải xác định rõ ai là người giúp bệnh nhân thực hiện quyền được chết. Bởi với các sĩ, cứu người là nhiệm vụ thiêng liêng, cao quý của họ. Để giúp người bệnh chết dù thế nào về y đức, đó cũng là hành vi mà nhiều bác sĩ không mong muốn.

Một bác sĩ chuyên lĩnh vực hồi sức, cấp cứu chia sẻ, bản thân ông từng chứng kiến không biết bao nước mắt của người bệnh, thân nhân người bệnh khi xin bác sĩ cho họ được chết. Có trường hợp người bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối, đau đớn vật vã nhưng vẫn còn tỉnh táo đã trực tiếp đề nghị ông làm điều đó, nhưng ông không thể. Cuối cùng, dưới sức ép của gia đình của chính bệnh nhân, các bác sĩ không được phép điều trị duy trì cho bệnh nhân và phải ngừng điều trị, để bệnh diễn biến tự nhiên và người đàn ông này cùng gia đình đã tự rút máy thở.

“Sinh mạng là trời ban cho mỗi người, chỉ trời mới được quyền lấy đi, mình không được làm thay cho tạo hóa. Tuy nhiên, thực tế xã hội, thực tế trong ngành y có những tình huống như thế. Nếu quyền được chết được công nhận, đây là một lối thoát cho người bệnh và cũng là một lối thoát đạo đức cho chính người thầy thuốc, giúp họ biết làm thế nào cho đúng. Biết người bệnh đau đớn lắm, duy trì cũng chỉ sống thêm từng ngày nhưng không thể giúp họ kết thúc cuộc đời, đó cũng là một sự dằn vặt”, vị bác sĩ này cho biết.

Tuy nhiên, với những người thầy thuốc, khi đã bước chân vào nghề y, lời thề Hippocrates có thể khiến họ không dám giúp người bệnh dù luật có cho phép. Vì thế, BS này cho rằng các nhà làm luật cũng phải tính rất kỹ, chỉ có thể là nhân viên y tế làm nếu họ tình nguyện. Còn không nên bắt buộc, hoặc có thể đào tạo đội ngũ khác thực hiện điều này.

“Tôi cho rằng rất khó ai có đủ bản lĩnh kết thúc một sinh mạng cho người khác chứ dù bệnh nhân là người đề nghị. Vì thế, nếu cho vào luật phải tính kỹ cả những yếu tố này”, vị BS nói.

Giúp bệnh nhân chết có phải vi phạm y đức?

TS Nguyễn Huy Quang cho biết, có rất nhiều quan điểm xung quanh việc nếu bác sĩ thực hiện cái chết nhân đạo có vi phạm về mặt y đức không? Tôi cho là không vì nếu là người bác sĩ mỗi ngày nhìn thấy sự đau đớn tột cùng về thể xác, tinh thần, người bệnh gào thét vì đau đớn dù đã được tiêm mooc phin. Sống đau đớn, vật vã khiến họ không còn cảm nhận được điều đẹp đẽ của cuộc sống… thì giúp bệnh nhân chết, đó là một sự giải thoát cho người bệnh khỏi những đau đớn đó, giúp họ trở về thiên đường trong bình lặng, không đau đớn, xung quanh là người thân cầm tay người bệnh lần cuối tiễn họ về cõi vĩnh hằng….



Hồng Hải