1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nhiều quốc gia trên thế giới công nhận “quyền được chết”

(Dân trí) - Nói về quyền được chết có rất nhiều quan điểm trái chiều. Nhiều người coi đó là một lối thoát đạo đức, nhân đạo cho cả bệnh nhân, bác sĩ. Song rất nhiều người phản đối, lên án "cái chết êm ái" là vô đạo đức.

Họ cho rằng sự sống con người dù mong manh nhưng phải được tôn trọng cho đến hơi thở cuối cùng. Vì thế trên thế giới, bên cạnh một số nước như Hà Lan, Bỉ, Canada, Thụy Sĩ, Luxembourg và 5 bang của Mỹ, quyền được chết được coi là một trong những quyền nhân thân và nhà nước cho phép trợ tử thì cũng có nhiều quốc gia cũng phản đối gay gắt, lên án “cái chết êm ái” là vô đạo đức.

Dưới đây là thông tin về các nước công nhận, phản đối quyền được chết do Bộ Y tế tìm hiểu và cung cấp:

Hà Lan là đất nước đầu tiên hợp pháp hóa "cái chết nhân đạo" từ tháng 4/2002. Người muốn chết phải đang đối mặt với nỗi đau đớn dày vò và các bác sĩ đều thất bại trong việc chữa trị. Họ phải hoàn toàn tỉnh táo khi ra quyết định. Độ tuổi được chọn cái chết êm ái là trên 12.

Chính phủ Hà Lan cho phép thành lập các đội cứu trợ cung cấp "cái chết nhân đạo". 6 đội chuyên biệt sẽ di động đến nơi bệnh nhân yêu cầu được trợ tử nếu các bác sĩ khác từ chối tiến hành việc này. Mỗi năm có khoảng 3.100 trường hợp được trợ tử ở nước này.

Tại Bỉ, từ năm 2012, Bỉ gia nhập nhóm các nước cho phép trợ tử. Theo báo cáo của Ủy ban Liên bang Kiểm soát cái chết nhân đạo, trong năm 2013 quốc gia này có hơn 1.800 người "chết êm ái", tức trung bình mỗi ngày có khoảng 5 trường hợp.

Bỉ là quốc gia duy nhất cho phép trợ tử không giới hạn tuổi tác. Ngày 13/2/2014, quốc hội cho phép trẻ em mắc bệnh nan y giai đoạn cuối được chọn “cái chết êm ái”. Yêu cầu trợ tử sẽ được chấp nhận nếu bệnh nhi đang chịu nỗi đau đớn thể xác hoặc tinh thần đến nỗi “không thể chịu đựng được”. Việc này được giám sát nghiêm ngặt bởi đội ngũ y bác sĩ giỏi, đồng thời phải được bác sĩ tâm lý, bác sĩ nhi khoa kiểm tra và chấp thuận.

"Cái chết nhân đạo" đối với trẻ em bị Hội thánh Thiên chúa giáo, Do thái giáo và Hồi giáo phản đối kịch liệt. Hàng loạt bác sĩ nhi khoa viết thư trình lên Quốc hội Bỉ phản đối điều luật này. Họ cho rằng trẻ em chưa đủ khả năng ra quyết định kết thúc cuộc sống của mình.

Luxembourg

Tháng 2/2008, nối gót Hà Lan và Bỉ, Luxembourg trở thành nước thứ ba trong Liên minh châu Âu cho phép "cái chết êm ái". Người dân nước này phản đối mạnh mẽ xem đây là hành động giết người, trong khi các nhà lập pháp khẳng định quyền được chết luôn nằm trong tay bệnh nhân. Tất cả bác sĩ và thân nhân đều không có quyền quyết định. Điều luật này chỉ được áp dụng đối với bệnh nan y không có biện pháp chữa trị.

Thụy Sĩ

Trợ tử hay còn gọi là trợ giúp chết không đau, được hợp pháp hóa tại nước này từ năm 1941 với điều kiện bác sĩ không được can thiệp, người trợ tử không nhận bất cứ lợi ích gì từ người chết. Hơn 1.000 bệnh nhân nan y khắp nơi trên thế giới đã tìm đến Thụy Sĩ để nhận được sự hỗ trợ từ bỏ cuộc sống. Bị chỉ trích là kẻ sát nhân, song những người làm dịch vụ trợ tử nói rằng họ chỉ mong muốn các bệnh nhân ra đi thanh thản, không đau đớn.

Argentina

Thượng viện Argentina đã thông qua đạo luật "cái chết nhân đạo" với người bị bệnh nan y sống không bằng chết. Luật chỉ cho phép người bệnh được quyền từ chối điều trị, chờ đợi cái chết đến một cách tự nhiên do chính căn bệnh của mình. Tất cả hành vi có sự tác động của con người đều là phạm pháp. Trường hợp bác sĩ, thân nhân tự ý chấm dứt điều trị mà không có sự đồng ý của bệnh nhân hoặc bác sĩ trợ tử theo yêu cầu đều bị xử lý hình sự.

Canada

Tháng trước giới chức Canada tuyên bố sẽ hợp pháp hóa việc thực hiện cái chết êm ái trong năm tới, sau khi nước này chuẩn bị đầy đủ điều kiện cụ thể để “quyền được chết” được vận dụng đúng đắn nhất.

Mỹ

5 bang gồm Washington, Oregon, Vermont, New Mexico và Montana đã cho phép bác sĩ thực hiện "cái chết nhân đạo" đối với người bị bệnh trầm kha sống dở chết dở. Để tránh sai lầm đáng tiếc, khi áp dụng, đòi hỏi phải có ý kiến bác sĩ, bệnh nhân được xét nghiệm tâm thần và chờ đợi một khoảng thời gian nhất định trước khi thực hiện. Gia đình có thể góp ý nhưng người bệnh đưa ra quyết định cuối cùng.

Pháp

Ngày 17/3, Hạ viện Pháp đã bỏ phiếu thông qua dự luật "chết êm dịu" với 436 phiếu ủng hộ, 34 phiếu chống, 83 nghị sĩ bỏ phiếu trắng vì cho rằng điều luật chưa đủ sức thuyết phục. Sau khi được Hạ viện thông qua, dự luật sẽ được trình lên Thượng viện Pháp xem xét.

Theo một cuộc thăm dò, 96% người dân Pháp được hỏi ủng hộ điều luật này. Gần đây, tỷ lệ ủng hộ giảm xuống còn 88% khi các bác sĩ phàn nàn rằng họ không thể tự tay chấm dứt mạng sống của bệnh nhân.

Trên tờ Nhật báo Thế giới, đại diện các cộng đồng tôn giáo ở Pháp phản đối kịch liệt “cái chết êm ái” và khẳng định rằng sự sống của con người cho dù mong manh vẫn phải được tôn trọng. Bộ trưởng Y tế Pháp Marisol Tourane cũng phản đối điều luật này.

Nhiều nước phản đối "cái chết nhân đạo"

Các quốc gia chịu ảnh hưởng sâu sắc của Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã, đặc biệt là khu vực châu Mỹ La Tinh, người dân tổ chức các cuộc biểu tình chống lại dự luật về cái chết nhân đạo. Ở Đức và Italy, đây là đề tài tranh cãi gay gắt trong nhiều năm qua. Tại các quốc gia châu Á chịu ảnh hưởng của Phật giáo, mọi hành động can thiệp hay giúp đỡ người bệnh chết "nhân tạo" đều bị coi là giết người.

Ở Trung Quốc, Hàn Quốc, chỉ một số trường hợp cá biệt mới được quốc hội phê chuẩn tạm dừng điều trị, chờ cái chết đến tự nhiên. Luật pháp không công nhận "cái chết nhân đạo", mọi hành động trợ giúp bệnh nhân chết bị coi là sát nhân.

TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, từ năm từ 2005, cái chết nhân đạo đã được Bộ Y tế đề xuất nhưng Quốc hội cho biết chưa đến thời điểm nào cho phép. Lần này, Bộ Y tế mạnh dạn đề xuất đưa vào luật với nguyện vọng thể hiện rằng sức khỏe, sinh mệnh mỗi người đều có quyền tự quyết định, nhất là việc quyết định chết trong những trường hợp đặc biệt. Nhiều ý kiến trái chiều, nhiều tranh cãi, và tất cả tâm tư, nguyện vọng, đóng góp của mỗi người đều là nguồn tư liệu tốt để Bộ có thể có những quyết định và giải pháp tốt nhất cho vấn đề khá nhạy cảm này.

Tú Anh