1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Để vết côn trùng đốt không thành sẹo thâm

(Dân trí) - Con gái tôi được 19 tháng tuổi. Bé thường xuyên bị muỗi và kiến cắn, sau đó tại nơi bị cắn sưng tấy, nổi bọng nước lên rất ngứa. Tôi đã dùng nhiều loại thuốc bôi cho con nhưng vẫn không có tác dụng.

Vết côn trùng đốt rất đó rất lâu liền và hay để lại sẹo thâm đen. Có phải da con tôi độc nên mới lâu liền vết thương như vậy? Có biện pháp nào để hạn chế việc để lại sẹo sau khi bị côn trùng cắn? Lan Phương (Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, Hà Nội).

TS Nguyễn Viết Lượng, trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Viện Bỏng quốc gia) trả lời:

Khi bị côn trùng đốt, nếu trong nọc đốt của côn trùng có axit, độc tố thì có thể gây tổn thương tại vết đốt. Như trường hợp của con chị, cứ bị kiến, muỗi đốt thì nhanh chóng bị sưng, nổi bọng nước tại nơi đốt, thể hiện phản ứng của cơ thể (tại nơi bị đốt) với độc tố của côn trùng, gây nổi bọng nước, tiết dịch, điều này là hoàn toàn bình thường.
 
Để vết côn trùng đốt không thành sẹo thâm - 1
Hãy luôn để ý khi trẻ chơi đùa để tránh bị côn trùng đốt. Vì da trẻ mẫn cảm,
dễ gây tổn thương sâu và côn trùng cũng có thể truyền bệnh cho trẻ. (Ảnh minh họa: H.Hải)

Khi bị côn trùng đốt, tùy từng người, tùy mức độ tổn thương khác nhau mà có thể gây ra các vết tổn thương khác nhau. Ở trẻ em, khi bị đốt, nổi bọng nước bé thường rất ngứa, nếu không kiềm chế được mà trẻ gãi nhiều khiến vết thương bị loét, nhiễm trùng… nên nguy cơ bị sẹo thâm cũng cao hơn ở người lớn.

Trường hợp con bạn, không phải vì da bé độc mà dễ bị tổn thương, để lại sẹo sau khi bị côn trùng đốt, mà con bạn có làn da quá mẫn cảm nên phản ứng tại chỗ mạnh hơn những đứa trẻ khác, gây tổn thương da lâu hơn, vết thương lâu liền hơn và dễ để lại sẹo.

Để xử lý vết côn trùng đốt ở trẻ em, tốt nhất cần hạn chế không để côn trùng đốt bé. Vì không chỉ gây ra tổn thương tại vết đốt, mà các loại côn trùng này, như muỗi cũng có thể truyền bệnh khác cho trẻ.

Còn khi đã bị đốt, đầu tiên, cần rửa sạch vết đốt cho trẻ bằng muối sinh lý. Tiếp đó nếu nổi bọng nước to, thì có thể dùng một chiếc kim sạch (tiệt trùng qua cồn) trích một nốt nhỏ (lưu ý, không để vỡ cả nốt phòng to mà chỉ trích một nốt nhỏ), rồi bôi kem có kết hợp thuốc kháng sinh và corticoid. Mỗi ngày chỉ cần bôi 2 - 3 lần kem này và cũng không cần bôi kéo dài, chỉ khoảng 2 - 3 ngày.
 
Sau đó, với những trẻ vốn hay bị sẹo thâm thì có thể tiếp tục bôi loại kem dưỡng có chứa vitamin C, vitamin E hoặc sản phẩm có tế bào gốc, mục đích để vừa làm dịu da, chống rối loại sắc tố da, từ đó chống để lại sẹo thâm rất hiệu quả.

Cũng cần lưu ý, hãy luôn nhớ nhắc nhở trẻ không gãi tại nơi đốt, vì càng gãi, vết tổn thương càng dễ lan rộng, loét sâu và lâu liền hơn.

Hồng Hải (ghi)