Để trẻ khóc lâu: Hại nhiều hơn lợi!
(Dân trí) - Nếu nghĩ rằng cần phải rèn rũa trẻ ngay từ khi mới sinh, để trẻ khóc cho nở phổi… thì những kết luận trong các nghiên cứu dưới đây sẽ làm bạn phải thay đổi quan niệm.
Nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng để cho trẻ khóc trong một thời gian dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến não của trẻ. Các nhà khoa học cho biết: Cảm giác đau đớn do khóc lâu có thể cản trở sự phát triển toàn diện của một số vùng não nhất định và khiến não tiết ra ra một lượng cooctizon thừa độc hại.
Theo nghiên cứu do tiến sĩ M. DeBellis và 7 cộng sự thực hiện, được công bố trên tạp chí Tâm thần sinh vật học vào năm 2004, trẻ em bị tổn thương về tâm lý ở giai đoạn đầu thường phát triển não chậm hơn.
Một nghiên cứu khác do tiến sĩ M. Teicher cùng 5 cộng sự của ông, thuộc ĐH Havard, tiến hành, nhận định: Khu vực não chịu ảnh hưởng của cảm giác đau đớn là vùng não cảm xúc (tạo phản ứng thiết yếu nhạy bén và thích ứng giúp con người tồn tại), bán cầu não trái và corpus callosum thể chai (một băng rộng các mô thần kinh nối tiếp 2 bán cầu não có chứa khoảng 300 triệu sợi). Ngoài ra còn có một số khu vực não khác cũng có thể chịu ảnh hưởng của nhân tố này như vùng nhớ hippocampus; vùng vỏ não có chức năng lựa chọn, xác định, đánh giá vấn đề.
Tiến sĩ, Margot Sunderland (Dorling Kindersley, 2006), chuyên gia nghiên cứu về cách thức nuôi nấng con cái, đã chỉ ra rằng một số ảnh hưởng đến não có thể xảy ra nếu như cha mẹ không đủ kiên nhẫn để vỗ về bé. Vậy nên, cha mẹ không được phép để trẻ khóc quá lâu.
Bà Sunderland, Giám đốc TT Giáo dục và Dạy nghề cũng rút ra kết luận này từ những nghiên cứu khoa học về tâm thần và đưa vào khuyến cáo đối với việc nuôi dạy con cái và rằng hành vi của cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành cảm xúc và sự phát triển não bộ ở trẻ sơ sinh.
Tiến sĩ Sunderland khẳng định: cha mẹ cần có những hành động đúng mực và hợp lý đáp ứng nhu cầu cảm xúc của trẻ, giúp nuôi dưỡng, khuyến khích sự phát triển não bộ của trẻ.
Châu Phong
Theo Canada