1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đề phòng hư móng tay khi mắc tay chân miệng

Ngày 16/11 tại phòng khám nhi Bệnh viện đa khoa Tiền Giang, bé N.Đ.T., 3 tuổi, được mẹ đưa đến khám vì toàn bộ 10 móng tay bị trắng đục và sắp bong ra. Người mẹ cho biết bé vừa khỏi bệnh tay chân miệng một tuần thì móng tay đổi màu và từ từ tróc ra.

Sau khi thăm khám, bác sĩ trấn an: “Đây là một trong những biến chứng của bệnh tay chân miệng, tuy ít xảy ra nhưng không đáng lo, biến chứng này lành tính, móng cũ hư thì móng mới sẽ mọc lại, chị chú ý giữ vệ sinh móng hằng ngày, đừng cho cháu cắn móng tay hay tiếp xúc với hóa chất độc hại”.

 

Về nguyên nhân, hiện người ta chưa biết rõ mặc dù có nhiều báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ cũng như Tổ chức Y tế thế giới về tình trạng hư móng trong bệnh tay chân miệng. Có thể do hai nguyên nhân, một là virut bệnh tay chân miệng tấn công trực tiếp lên lớp biểu bì (epidermis), đặc biệt là gian bào (matrix) có nhiều mạch máu, nằm dưới quầng móng (lunular), là nơi móng mọc ra hằng ngày. Khi lớp gian bào bị hư hao, móng không mọc ra được.

 

Thứ hai là do tình trạng dinh dưỡng kém khi mắc bệnh tay chân miệng, trẻ đau miệng nên không ăn được một thời gian, sẽ thiếu một số vi chất quan trọng cần cho việc tạo móng là kẽm và sắt.

 

Để phòng biến chứng hư móng trong bệnh tay chân miệng, phụ huynh nên cho trẻ ăn đủ chất, nhất là thịt, cá, rau, trái cây, đồng thời giữ gìn vệ sinh bàn tay sạch sẽ, cắt móng tay hằng tuần và tránh không làm tổn thương da vùng quanh móng.

 

Theo BS Nguyễn Thành Úc

Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm