1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Dễ nhầm sa trực tràng với sa trĩ

Mới đây, chúng tôi có tiếp nhận một bệnh nhân nam, 58 tuổi, bị sa trực tràng khi điều trị ở quê theo kinh nghiệm gia truyền bôi thuốc cho rụng. Bệnh nhân này sau đó đã bị hoại tử toàn bộ khối sa trực tràng!

Theo lời kể của bệnh nhân, ông được ông sui tặng thuốc thoa rụng trĩ. Sau khi thoa thì thấy đau nhiều, ớn lạnh, sốt, không ngủ được. Tuy nhiên, nghe theo lời dặn của ông sui, bệnh nhân tiếp tục thoa thêm sáu ngày nữa, khiến khối màu hồng mềm ngoài hậu môn trở thành khối đen cứng. Khối sa ra ngoài lúc đầu còn đẩy vào hậu môn được nhưng sau đó thì không thể. Bệnh nhân chỉ có thể nằm nghiêng hay ngồi một mông. Sau hai tuần chịu đựng đau đớn, mất ngủ và bất tiện trong sinh hoạt, bệnh nhân đành lên TP.HCM điều trị. Đây có thể coi là một trường hợp điển hình của sa trực tràng hoại tử do thoa thuốc điều trị trĩ theo kinh nghiệm dân gian.

 

Dễ nhầm sa trực tràng với sa trĩ - 1


Ai dễ bị sa trực tràng?

 

Sa trực tràng là tình trạng thoát xuống của phần trên trực tràng qua hậu môn ra ngoài. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em dưới ba tuổi và người lớn trên 50 tuổi. Đa số xảy ra ở phụ nữ, 35% ở phụ nữ sanh đẻ nhiều, 25 – 50% ở bệnh nhân táo bón kéo dài, 50 – 70% bệnh nhân có triệu chứng mất tự chủ đi cầu, 15% có kèm sa sinh dục và 35% kèm theo sa bàng quang.

 

Từ năm 1847, Bodenhamer đã nêu ra hai yếu tố dẫn đến sa trực tràng:

 

Gia tăng áp lực ổ bụng: các yếu tố làm gia tăng áp lực ổ bụng là đứng lâu, rặn gắng sức khi đi cầu trong tư thế ngồi xổm, táo bón kéo dài, sanh đẻ nhiều lần, hẹp niệu đạo, ho kéo dài…

 

Yếu kém cơ vòng hậu môn và cơ vùng chậu: do bệnh lý về não và tuỷ sống, sang chấn não và tuỷ sống, phẫu thuật vùng hậu môn, sang chấn sản khoa, suy dinh dưỡng, tâm thần…

 

Ở trẻ em, sa trực tràng thường kèm theo các bất thường bẩm sinh ở vùng chậu, xương thiêng và xương chậu mất độ cong và thẳng đứng, đại tràng chậu hông dài và di động nhiều, suy yếu sàn chậu do suy dinh dưỡng và tình trạng gia tăng áp lực do táo bón…

 

Triệu chứng

 

Khối sa ở hậu môn dài và tròn đều theo hình tròn đồng tâm khi đi cầu hay khi ngồi xổm, khối này tiết chất nhầy, ngứa, đôi khi có chảy máu. Bệnh nhân có triệu chứng rối loạn đi cầu như táo bón hay mót cầu nhiều lần trong ngày, hay mất tự chủ đi cầu. Sa trực tràng nếu không điều trị có thể gây loét trực tràng, chảy máu vết loét, hoại tử khối sa trực tràng…

 

Bệnh khó phòng ngừa

 

Rất khó phòng ngừa sa trực tràng ở người lớn, vì liên quan nhiều đến những khiếm khuyết cơ thể học như đại tràng chậu hông dài, trực tràng không bám vào xương thiêng, mạc treo trực tràng dài, sự giãn rộng của cơ nâng hậu môn và cơ thắt. Khi có các khiếm khuyết này mà kèm theo táo bón kéo dài, suy duy dưỡng thì bệnh sẽ phát triển.

Để chẩn đoán chính xác bệnh sa trực tràng, cần phải có các phương tiện chẩn đoán hình ảnh. Phương tiện chẩn đoán hình ảnh đầu tiên rẻ tiền và dễ thực hiện không xâm nhập là phương pháp chụp hình khi đi cầu (Video-proctoscope). Qua hình ảnh chụp được, ta sẽ chẩn đoán chính xác tình trạng sa trực tràng với các bệnh lý khác có khối sa ở hậu môn khi đi cầu như polype ống hậu môn, sa trĩ… Phương pháp thứ hai là chụp cộng hưởng từ động học (MRI Dynamic defecography), đây là phương pháp chính xác và có thể chẩn đoán được các yếu tố kèm theo bệnh sa trực tràng như sa sinh dục, sa bàng quang, sa sàn chậu… Hiện nay qua MRI chúng ta có thể xác định các đặc điểm giải phẫu của sa trực tràng như: sự dãn rộng của cơ nâng hậu môn, túi cùng Douglas thòng sâu xuống sàn chậu, đại tràng chậu hông dài và di động, trực tràng thẳng với mạc treo dài và không cố định vào xương thiêng, hậu môn dãn rộng…

 

Coi chừng nhầm với sa trĩ

 

Sa trực tràng là bệnh hoàn toàn khác với bệnh lý sa trĩ mà ta thường gặp. Về triệu chứng, khối sa của trĩ thường ngắn và có từng búi không đều, khối trĩ sa có thể tiết dịch nhầy hay chảy máu. Nếu sai lầm trong chẩn đoán, chỉ định điều trị sẽ sai về phương pháp và gây nhiều hậu quả, vì hai bệnh hoàn toàn khác nhau.

 

Để điều trị sa trực tràng ở người lớn, hiện có rất nhiều phương pháp. Tuỳ theo đường mổ có hai nhóm phương pháp chính là mổ qua đường bụng treo trực tràng vào ụ nhô (rectopexy) và mổ qua đường tầng sinh môn. Hiện nay không còn mổ bụng theo phương pháp mổ hở nữa và chỉ còn mổ qua nội soi; phương pháp mổ nội soi treo trực tràng vào ụ nhô có kết quả tốt hơn, ít xâm nhập và ít biến chứng hơn mổ hở nhưng vẫn còn phải gây mê toàn thân. Với phương pháp mổ qua tầng sinh môn (phương pháp Altemeier hay Delorme hay Thiersch), thì chỉ cần gây tê tuỷ sống và khi phẫu thuật có thể phục hồi sàn chậu phù hợp với bệnh nhân lớn tuổi, có nhiều bệnh lý kèm theo như tim mạch, nội tiết…

 

Theo ThS.BS Dương Phước Hưng

Sài Gòn tiếp thị