Đề nghị bãi bỏ quy định trực lãnh đạo phải ký giấy chuyển viện!
(Dân trí) - Bước đầu triển khai những quy định nghiêm ngặt về việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhiều bệnh viện đã kêu khó. “Sở Y tế TPHCM đã có công văn đề nghị Bộ Y tế bãi bỏ quy định trực lãnh đạo phải ký giấy chuyển tuyến”.
Ngày 14/4/2014, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký quyết định ban hành Thông tư 14, quy định về việc điều chỉnh: hình thức, điều kiện, thẩm quyền, thủ tục và quản lý chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Thông tư 14 được xem là bước đột phá khi quy định rõ về việc chuyển bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên và ngược lại. Các bệnh viện sẽ sàng lọc những bệnh nhân nặng chuyển lên tuyến trên đồng thời những bệnh nhân đã nhập viện ở tuyến trên sau khi qua giai đoạn nặng sẽ được chuyển về tuyến dưới tiếp tục điều trị. Nếu triển khai đúng hướng sẽ góp phần quan trọng vào việc bệnh nhân bỏ tuyến dưới dồn lên tuyến trên gây nên tình trạng quá tải hiện nay.
Sau hơn 4 tháng Thông tư 14 của Bộ Y tế đi vào thực tiễn, ngày 26/8 lãnh đạo Bộ Y tế đã có cuộc làm việc với các bệnh viện thuộc khu vực phía Nam để bàn về những “vướng mắc” liên quan.
Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến cho rằng, Thông tư 14 bên cạnh những mặt tích cực còn tồn tại nhiều hạn chế làm phiền phức và tốn thêm thời gian của cả y bác sĩ lẫn bệnh nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính.
TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM dẫn chứng tại khoản 3, điều 6 về thẩm quyền ký giấy chuyển tuyến của Thông tư quy định: “Trong phiên trực, người trực lãnh đạo ký giấy chuyển tuyến đối với trường hợp cấp cứu”.
Theo phân tích của TS Chí Thượng: “Một số bệnh viện trên địa bàn TPHCM có nhiều cơ sở khác nhau, trực lãnh đạo bệnh viện chỉ có thể có mặt tại một cơ sở vì thế việc bệnh nhân ở các cơ sở khác khi chuyển tuyến phải tìm đến trực lãnh đạo bệnh viện để ký giấy chuyển viện là rất tốn thời gian”.
Để “gỡ rối” cho quy định trên, TS Tăng Chí Thượng cho rằng: “Trong mỗi ca trực, lãnh đạo bệnh viện đã phân công bác sĩ trực, bác sĩ trực phải chịu trách nhiệm trước lãnh đão bệnh viện về những vấn đề xảy ra trong ca trực của mình. Để đơn giản hóa thủ tục, giảm phiền hà cho bệnh nhân và đáp ứng nhanh trước những ca cấp cứu thì nên để bác sĩ trực ký giấy chuyển viện thay vì phải tìm đến lãnh đạo bệnh viện”.
TS Tăng Chí Thượng cho biết thêm, Sở Y tế thành phố đã gửi công văn đề nghị Bộ Y tế bãi bỏ quy định trên.
Ngược lại, quy định chuyển bệnh từ tuyến trên xuống tuyến dưới sau khi được cấp cứu hoặc chẩn đoán bệnh đang gây ra những lo lắng cho bệnh viện tuyến cơ sở. Lãnh đạo bệnh viện Đa Khoa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, quy định này là chưa thuyết phục bởi: “Những trường hợp sau khi chuyển về bệnh viện tuyến dưới bệnh lại trở nặng thì xử lý như thế nào? Quy định trên chỉ hợp với các bệnh viện đa khoa, còn các bệnh viện chuyên khoa sẽ rất khó thực hiện”.
Ở một góc nhìn khác, PGS.TS Trần Quyết Tiến, Phó giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy chỉ ra: Thông tư 14 của Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện phải báo cáo số lượng ca chuyển viện đi và đến đang gây khó cho bệnh viện.
Dẫn giải những khó khăn khi triển khai, PGS Quyết Tiến chỉ ra: “Mỗi tháng, bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 7.000 trường hợp chuyển viện đến và khoảng 700 trường hợp chuyển viện đi, trong khi các phòng ban của bệnh viện đã “quá tải” công việc. Nếu thực hiện thống kê danh sách cụ thể, chi tiết từng trường hợp chuyển viện để báo cáo về Bộ Y tế thì phải lập thêm một bộ phận chuyên trách riêng”.
Trước những vấn đề được lãnh đạo các Sở Y tế và bệnh viện nêu ra, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến và trình lãnh đạo Bộ. Tuy nhiên, PGS Ngọc Khuê cũng khẳng định về cơ bản Thông tư 14 đang đi đúng hướng góp phần tích cực vào việc chăm sóc sức khỏe của nhân nhân, ông đề nghị các bệnh viện vận dụng linh hoạt những quy định của Thông tư 14, tránh tình trạng vừa làm đã kêu khó.
Vân Sơn