Để mụn không thành sẹo thâm lõm...
(Dân trí) - Mụng trứng cá rất hay gặp ở lứa tuổi dậy thì và rất dễ thành sẹo lõm. Thử hình dung, trên khuôn mặt xinh xắn, làn da mịn màng “nổi bật” vài vết sẹo thâm xì, lõm sâu... chắc cô gái nào cũng hoảng hốt.
TS.BS Nguyễn Viết Lượng (Viện Bỏng quốc gia) cho biết, sẹo lõm do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó, hay gặp nhất ở lứa tuổi dậy thì do mụn trứng cá. Thường thì trứng cá chỉ xảy ra trong một giai đoạn nào đó của cuộc đời (tuổi dậy thì, ...), tuy nhiên sẹo thâm, sẹo lõm do trứng cá lại là dấu ấn không mong muốn tồn tại lâu dài, có khi theo suốt cuộc đời.
Tại phòng khám trị liệu da liễu (Viện Bỏng quốc gia), rất nhiều bệnh nhân ở lứa tuổi thiếu niên đến khám trong tình trạng mụn nhiễm khuẩn căng đỏ, rồi có những em bị sẹo “chi chít” trên mặt, lưng. Mụn thâm to như hạt đậu, lõm sâu xuống nên việc điều trị rất khó khăn. Khi được hỏi, thì hầu hết các bệnh nhân đều “tí toáy” nặn mụn ngay khi mụn nhú lên. Bất kể trong hoàn cảnh nào, tay chưa được rửa sạch nhưng bệnh nhân vẫn có thói quen dùng móng tay cậy, nặn mụn.
BS Lượng cho biết, nguyên nhân chính gây sẹo thâm, sẹo lõm sau khi bị mụn (cả mụn trứng cá, đặc biệt là các mụn lớn, mụn bọc ở sâu và trong một số bệnh lý trên da khác như đậu mùa, thuỷ đậu, sởi...) là do sự tác động của việc nặn, bóp, chích mụn không đúng cách, không đúng thời điểm, khiến quá trình liền vết thương diễn ra không thuận lợi. Việc bóp, nặn mụn không chỉ gây tổn thương tại chỗ mà vi khuẩn từ tay cũng có thể thâm nhập, làm nhiễm khuẩn tại chỗ. Điều nguy hiểm là có những trường hợp bị nhiễm trùng mụn quá nặng, vi khuẩn từ mụn thâm nhập, tấn công đường máu có thể gây nhiễm trùng máu.
“Sự tác động này khiến tổ chức liên kết trung bì trong đó chủ yếu là collagen bị phá huỷ quá nhiều nhưng chúng lại không được bổ sung và bù đắp đầy đủ trong quá trình liền vết thương, dẫn đến tình trạng khuyết lõm tổ chức và hình thành sẹo lõm. Bên cạnh đó, các tế bào sắc tố bị kích thích tăng sinh quá nhiều hạt sắc tố và người ta cũng thấy các đại thực bào chứa sắc tố xuất hiện nhiều trong quá trình liền vết thương của các bệnh lý này dẫn đến việc hình thành sẹo thâm sau khi khỏi”, BS Lượng nói.
Phải điều trị đúng phác đồ
Có một thực tế, lâu nay, chẳng mấy người đi khám vì có mụn. Nhiều người dù rất bực mình khi bị mụn, nhưng cũng chẳng bao giờ đi khám để được chữa trị. Thay vì đến viện, mọi người tự ý mua sữa rửa mặt, thuốc bôi về tự “xử lý” mụn cho mình. Chỉ đến khi những đốm mụn bị nhiễm khuẩn nặng, căng đỏ, rồi thành sẹo mới viện cầu đến bác sĩ ra liễu.
“Mụn không chỉ đơn giản là mụn, mà nó là một bệnh lý ngoài da. Vì thế, không muốn bị sẹo sau mụn, khi bị mụn cần được đi khám và phải tuân thủ điều trị theo phác đồ của các bác sỹ chuyên khoa. Khi đó, sẽ giảm nguy cơ sẹo thâm, sẹo lõm rất nhiều. Còn khi đã thành sẹo, vẫn có thể điều trị bằng nhiều phương pháp theo chỉ định của bác sĩ, như bằng laser hay công nghệ tế bào gốc... tuy nhiên chi phí tốn kém hơn rất nhiều”, BS Lượng nói.
Hồng Hải