1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Để lăng quăng sinh sôi, bị phạt!

Người bán lăng quăng nuôi cá cũng sẽ bị phạt. 9.980 số ca mắc SXH tính từ đầu năm 2015 đến ngày 24-9 tại TP.HCM, tăng 76% so với cùng kỳ năm 2014.

“Sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn TP.HCM đang diễn biến hết sức phức tạp. Do vậy, muốn ngăn chặn dịch bệnh buộc phải diệt lăng quăng. Bên cạnh đó, nếu hộ dân đã được vận động, nhắc nhở, cam kết tham gia diệt lăng quăng nhưng không thực hiện thì chính quyền địa phương mạnh tay xử phạt để răn đe” - BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhấn mạnh.

Bị phạt đến 1,5 triệu đồng

Ông Trần Thanh Nam, Phó Chủ tịch UBND phường 25 (quận Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết mới đây UBND phường đã ra hai quyết định xử phạt các hộ dân do không thực hiện hoạt động phòng, chống dịch bệnh SXH mặc dù trước đó đã được nhắc nhở.

Cụ thể ngày 28-8, trong quá trình kiểm tra hoạt động phòng, chống SXH, đoàn công tác của UBND phường 25 phát hiện hộ ông NVS (đường Ung Văn Khiêm) thải vật dụng có khả năng làm lây lan bệnh truyền nhiễm gây dịch. UBND phường 25 đã ra quyết định phạt ông S. 750.000 đồng và ông S. đã thực hiện việc nộp phạt.

Tương tự, ngày 21-9, đoàn công tác của UBND phường 25 ghi nhận ông NHTM không thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng tại khu vực đang xây dựng công trình ở địa chỉ 4E1 đường D1. Ngoài việc phạt 1,5 triệu đồng, UBND phường còn buộc ông M. thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng tại khu vực đang xây dựng.

Một số phường khác của quận Bình Thạnh cũng mạnh tay xử phạt các hộ dân không tham gia phòng, chống SXH. Cụ thể, UBND phường 22 phạt chủ một quán cà phê 750.000 đồng do để lăng quăng xuất hiện nhiều trong chậu cây kiểng. UBND phường 26 cũng phạt một hộ dân 750.000 đồng do lu nước có nhiều lăng quăng, đồng thời phạt một quán ăn cũng với số tiền trên do hồ non bộ có lăng quăng.

Để lăng quăng sinh sôi, bị phạt! - 1
Để môi trường kém vệ sinh, muỗi và lăng quăng sinh sôi sẽ bị xử phạt. Ảnh: TRẦN NGỌC
Để môi trường kém vệ sinh, muỗi và lăng quăng sinh sôi sẽ bị xử phạt. Ảnh: TRẦN NGỌC

“Hồi giờ đâu nghe nói phạt vụ này”

Ông Trần Thanh Nam cho biết hầu hết các hộ dân vi phạm đều chấp hành nộp phạt. Tuy nhiên, cũng còn nhiều người dân thắc mắc về những hành vi nào thì bị xử phạt.

Bà Nguyễn Thị Mai (phường 25, quận Bình Thạnh) nêu ý kiến: “Chính quyền nói để các chất, vật dụng có khả năng làm lây lan dịch bệnh sẽ bị phạt. Vậy cụ thể là các chất, vật dụng nào?”. Ông Phạm Văn Tài (phường 22, quận Bình Thạnh) cũng đặt câu hỏi: “Phường phổ biến không thực hiện hoặc từ chối thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế sẽ bị phạt. Tôi nghe thấy chung chung quá”. Theo ông Tài, nếu lăng quăng xuất hiện trong sân, quanh nhà thì bị phạt là chấp nhận được. Còn như muỗi từ dưới kênh rạch bay vào nhà mà phạt thì quá oan. Một số người dân khác thắc mắc phường phạt dựa vào quy định pháp luật nào, mức phạt ra sao vì “hồi giờ đâu nghe nói phạt vụ này”.

PV Pháp Luật TP.HCM đã chuyển các thắc mắc của người dân đến BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM. Ông Dũng cho biết việc xử phạt là thực hiện theo Nghị định 176/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Cụ thể, mục b khoản 2 Điều 11 nghị định có ghi “hành vi không thực hiện hoặc từ chối thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch thì bị phạt từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng”. Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 16 của nghị đinh còn quy định “Hành vi thải, bỏ các chất, vật dụng có khả năng làm lây lan bệnh truyền nhiễm gây dịch thì bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng”.

BS Dũng giải thích các hành vi bị phạt trong trường hợp này bao gồm: Không làm sạch môi trường để muỗi có điều kiện trú ẩn; trong khuôn viên nhà còn để lăng quăng sinh sôi; quăng hộp cơm, ly nhựa, chén bể… dễ bị đọng nước ra môi trường chung quanh... “Tất nhiên phải làm từng bước. Trước hết cần  vận động bà con tham gia làm sạch vệ sinh môi trường quanh nhà, bước tiếp theo là nhắc nhở, làm cam kết. Nếu vẫn còn tái phạm thì mới ra quyết định xử phạt. Phải làm sao để khi xử phạt người dân  tâm phục khẩu phục…” - BS Dũng nhấn mạnh.

Theo BS Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, trong vài ngày tới Thanh tra Bộ Y tế sẽ vào TP.HCM để hướng dẫn phường, xã và quận, huyện việc thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có cả việc xử phạt liên quan hoạt động phòng, chống dịch SXH.

 

 

Bán lăng quăng nuôi cá cũng bị phạt

Trong khi Sở Y tế TP.HCM vận động các hộ dân diệt lăng quăng ngăn ngừa SXH và phạt cá nhân vi phạm thì vẫn còn không ít điểm kinh doanh cá kiểng “nuôi” lăng quăng.

Tại các điểm bán cá kiểng trên đường Nguyễn Thông (quận 3, TP.HCM) bày bán thoải mái lăng quăng đựng trong thùng nhựa. Khi có khách mua, người bán vớt lăng quăng cho vào bịch nylon bán với giá 2.000 đồng/bịch.

Tương tự, trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình, TP.HCM) có nhiều điểm kinh doanh cá cảnh “di động”. Tại đây, lăng quăng được để sẵn trong bịch nylon bán với giá 3.000 đồng/bịch.

BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết những điểm kinh doanh cá cảnh có bán lăng quăng là vi phạm Nghị định 176/2013 về phòng, chống SXH. “Trước đây, TP.HCM có nhiều điểm bán lăng quăng nuôi cá. Tuy nhiên, sau khi ngành y tế giám sát và quản lý chặt thì thực trạng nói trên giảm hẳn. Hiện nay, nếu trên địa bàn phường, xã và quận, huyện còn tồn tại các điểm bán lăng quăng thì ngành y tế địa phương phải chịu trách nhiệm” - BS Hưng nói.

____________________________________

9.980 số ca mắc SXH tính từ đầu năm 2015 đến ngày 24-9 tại TP.HCM, tăng 76% so với cùng kỳ năm 2014, theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM.

Theo Trần Ngọc

Pháp luật TPHCM