Để cảm cúm không còn là nỗi ám ảnh...
(Dân trí) - Hàng năm, có hàng triệu lượt mắc bệnh cảm lạnh và cảm cúm, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hàng ngày. Bệnh lúc đầu không nặng, tuy nhiên, nếu điều trị không đúng cách, bệnh có thể kéo dài hoặc có những biến chứng nghiêm trọng.
Không quá nghiêm trọng như các căn bệnh khác nhưng cảm cúm luôn khiến người bệnh khó chịu, mệt mỏi và điều quan trọng là cảm cúm thường kéo dài lâu, gây ảnh hưởng không nhỏ tới công việc và cuộc sống của người bệnh. Điều đáng lo ngại là tâm lý “coi thường bệnh” của rất nhiều người dân hiện nay càng khiến cho bệnh dễ lây lan và lâu khỏi. Tín hiệu đáng mừng là các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng nếu xác định đúng những triệu chứng ban đầu thì chúng ta đã thành công được 1/2 quá trình điều trị.
Những phiền toái từ cảm cúm
Cảm cúm là bệnh về đường hô hấp, thường có các triệu chứng rõ nét nhất là hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, đau đầu, nhức mình mẩy… Bệnh tuy là nhẹ nhưng gây nhiều phiền toái trong quá trình diễn tiến. Đối với người đi làm, đặc biệt là làm việc trong phòng máy lạnh, những cơn nhảy mũi liên tục không chỉ gây khó chịu cho bản thân người bệnh mà còn ảnh hưởng đến quá trình giao tiếp. Bên cạnh đó, hắt hơi cũng là cơ hội để các vi-rút phát tán từ người bệnh sang những người khác xung quanh. Đó là chưa kể đến tình trạng nghẹt mũi hoặc sổ mũi khiến người bệnh không thể tập trung trong công việc mà đôi khi còn mất điểm do sự “luộm thuộm” không đáng có.
Cảm cúm sẽ tiến triển mạnh hơn với các triệu chứng như ho, có đờm, mệt mỏi nhiều hơn. Những cơn ho này khiến người bệnh rất khó chịu trong mọi sinh hoạt hàng ngày và đặc biệt là khi trở thành “người gác đêm” khi mọi người đang ngon giấc.
Nếu không chữa trị kịp thời, cảm cúm có thể gây những biến chứng nghiêm trọng như viêm xoang cấp, viêm tai giữa cấp, viêm phổi - những bệnh tiêu tốn nhiều thời gian và công sức để chữa trị.
Chữa trị tự nhiên với những dấu hiệu đầu tiên
Cảm cúm là bệnh lý nhiễm vi-rút cúm ở đường hô hấp trên. Vì vậy, trong quá trình giao tiếp, chúng ta dễ bị lây lan do các triệu chứng hắt hơi, ho của người bệnh. Thời gian ủ bệnh thường không có dấu hiệu rõ ràng nhưng nếu để ý, chúng ta sẽ thấy có hắt hơi với mức độ ít và thưa (3-4 lần/ngày), người uể oải, khó chịu, chán ăn.
Để kháng bệnh, chúng ta có thể tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng cách ăn uống đầy đủ chất như protein, rau xanh, tăng cường trái cây, đặc biệt là loại có nhiều vitamin C. Thêm thời gian nghỉ ngơi, súc miệng bằng nước muối pha loãng, hạn chế uống nước đá cũng là những cách hỗ trợ để bệnh tự khỏi.
Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng từ một số triệu chứng thông thường, nếu chúng ta không chú ý thì dễ dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn, không chỉ tổn hại sức khỏe mà còn hao tốn nhiều công sức, tiền của của người bệnh và gia đình.
Làm thế nào để làm chủ cơ thể và chống lại những cơn cảm cúm khiến bạn khó chịu và gây ảnh hưởng không nhỏ tới công việc cũng như những sinh hoạt hàng ngày? Những lời khuyên của TS. BS Nguyễn Trọng Minh, Phụ trách phòng khám Tai Mũi Họng, Bệnh viện Chợ Rẫy, đồng thời là Giảng viên Trung tâm đào tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy trong buổi giao lưu trực tuyến sẽ rất hữu ích cho bạn, gia đình bạn cũng như cộng đồng hiểu về bệnh cảm cúm, giúp chúng ta cách dùng thuốc một cách phù hợp, ngõ hầu có thể tránh hoặc giảm thiểu được những biến chứng có thể có của bệnh, đặc biệt trong mùa cảm cúm này thông qua buổi giao lưu trực tuyến Phòng ngừa và điều trị cảm cúm trong mùa lạnh.
Hiện tại, đã có rất nhiều các câu hỏi về bệnh được gửi tới cho bác sĩ Minh. Còn bạn, bạn có thắc mắc gì về bệnh này? Hãy cùng tham gia vào buổi giao lưu trực tuyến với TS.BS Nguyễn Trọng Minh từ 14h - 16h ngày 09/12/2011 và ngay từ bây giờ, các bạn có thể đặt câu hỏi tại đây.