1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đau như... đau đẻ?

Nếu cũng giống như hầu hết phụ nữ mang thai lần đầu, hẳn bạn sẽ rất sợ... đau đẻ. Càng gần ngày trở dạ, song song với niềm vui vì sắp được đón bé chào đời là nỗi lo ngày càng lớn. Có người sợ ra mặt, thốt ra lời, có người âm thầm giấu nó đi.

 

Đau như... đau đẻ? - 1


Người thì nói “đau thấy mười ông sao luôn”, người khác doạ “vô cùng khủng khiếp!” Nhưng cũng có người thì cười: “Chưa kịp đau đớn gì hết thì nó đã chui ra rồi”... Còn bao nhiêu giai thoại khác nữa, rằng có người đau đến mức réo tên chồng ra mà chửi, hay có người mắng luôn... bác sĩ đỡ đẻ cho mình. Nhưng vấn đề quan trọng là không ai mô tả được chính xác cơn đau. Vì thế, với những người sinh con lần đầu, nỗi lo sợ đó vẫn luôn hiện hữu.

 

Sinh nở đau nhiều lắm không? Cái đau đó như thế nào? Trong khi không thể tìm được câu trả lời cụ thể và chính xác, bài viết này sẽ giúp bạn xác định một số nguyên nhân gây đau và các phương pháp để đối phó với chúng.

 

Ba nguồn gốc của những cơn đau: tâm lý, chức năng và sinh lý

 

Nguồn gốc tâm lý của cơn đau có thể là: sợ hãi, ngộ nhận, thiếu kiến thức... Đó là những điều thực sự có thể gây đau và làm tăng cường cơn đau. Bạn có thể giảm thiểu nó bằng cách tìm hiểu về những gì sẽ xảy ra thông qua lớp học tiền sản, sách báo, internet và sự tư vấn của bác sĩ... Nếu biết rõ về quá trình, bạn sẽ bớt lo lắng và sợ hãi. Chính điều đó sẽ giúp ích rất nhiều. Chính vì vậy mà những bà mẹ sinh con đầu lòng thường xếp mức độ đau của họ cao hơn những bà mẹ sinh con rạ.

 

Các nguồn chức năng của các cơn đau có thể là: cổ tử cung và âm đạo bị kéo dãn, sự co thắt tử cung, áp lực của em bé đè xuống đường sinh, các thủ tục thăm khám như chọc ối, khám âm đạo và giám sát bằng monitor có thể gây căng thẳng và làm tăng cơn đau. Cách hạn chế nguồn đau này là thư giãn, thả lỏng cơ thể, kiểm soát hơi thở theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và nữ hộ sinh...

 

Nguồn đau sinh lý: những trường hợp em bé sinh ngôi mông hay đầu bé quá lớn trong khi xương chậu mẹ hẹp... có thể tăng cường cơn đau. Trong số ít trường hợp, cơn đau bất thường có thể là một dấu hiệu nguy hiểm và cần can thiệp khẩn cấp.

 

Đẻ không đau có thật là... không đau?

 

Càng ngày, số lượng các sản phụ yêu cầu sinh con bằng phương pháp gây tê ngoài màng cứng càng tăng, vì một số lý do: sợ đau, khuyến khích của cơ sở y tế, áp lực đồng cảnh... Tuy nhiên, bạn cần phải hiểu rằng không có sự sinh nở nào là “hoàn toàn không đau”... Một sản phụ chắc chắn sẽ trải qua những cơn đau ít nhiều bao gồm: đau chuyển dạ trước sinh (thường kéo dài nhiều giờ), đau trong khi sinh (thường dưới một tiếng đồng hồ), đau sau sinh có thể kéo dài nhiều ngày đến hàng tuần (gồm có đau vết cắt tầng sinh môn, đau dạ con, đau ngực do căng sữa và đau vết mổ nếu sinh mổ)... Kể cả phương pháp gây tê cũng chỉ giúp bạn giải thoát cái đau trong khi sinh, thường mạnh nhất, nhưng luôn ngắn nhất.

 

Các phụ nữ đều đau chút ít khi chuyển dạ do tử cung co thắt. Có người thấy đau như đau bụng kinh, có người thấy như bị bóp chặt, có người thấy đau kiểu từng làn sóng cuộn lên như khi bị ngộ độc thức ăn. Một số phụ nữ đau nhẹ ở bên hông, lưng hoặc đùi. Cái đau trong khi sinh nở được gây ra chủ yếu do co thắt cơ tử cung và phần nào bởi áp lực lên cổ tử cung, các áp lực trên bàng quang và ruột bởi đầu của bé và sự kéo căng tối đa của kênh sinh và âm đạo. Cái đau này thể hiện như bóp chặt trong bụng, cảm giác căng xé ở đường sinh, cùng lúc với cảm giác mệt mỏi.

 

Những cơn đau sau sinh thường kéo dài nhất và đôi khi gây phiền toái nhất nhưng lại ít được nói đến, có lẽ do niềm hạnh phúc được nâng niu thiên thần nhỏ đã khiến cho chúng trở nên dễ vượt qua hơn rất nhiều.

 

Một ca sinh lý tưởng?

 

Hãy nhớ lại những lợi ích khi bé được chào đời bằng biện pháp sinh thường. Một ca sinh lý tưởng không phải là ca sinh “không đau” mà là một ca sinh tự nhiên diễn ra nhanh chóng, trong sự thoải mái, bình tĩnh của sản phụ, em bé ra đời khoẻ mạnh và không chịu sự can thiệp ngoại ý nào (kể cả gây tê ngoài màng cứng).

 

Có khoảng 10% phụ nữ nói rằng họ không đau chút nào trong khi sinh. Trong khi 10% khác sẽ nói đó là điều khủng khiếp nhất. Hầu hết chúng ta rơi vào đâu đó ở khoảng giữa. Mặc dù sinh nở được xem như là một trong những sự kiện đau đớn trong kinh nghiệm của con người, nhưng có thể thấy cái đau đó mặc dù khó hình dung nhưng lại... hoàn toàn có thể chịu đựng được, bởi như bạn thấy, hầu như tất các bà mẹ đều đã vượt qua nó, và thậm chí không ngần ngại... đối mặt với nó hơn một lần.

 

Tuy nhiên, cũng đừng nhầm lẫn khả năng chịu đựng “đau đẻ” với giá trị của một người mẹ. Rất nhiều phụ nữ dự tính sinh tự nhiên nhưng đã quyết định sử dụng phương pháp gây tê vào phút cuối cùng để có được một ca sinh tốt đẹp. Vấn đề là bạn hãy chắc rằng mình có đủ thông tin về ưu điểm và nhược điểm của từng phương pháp để có một lựa chọn tốt nhất cho mình và con trong mỗi trường hợp cụ thể, và bạn cần phải đưa ra quyết định mà không dựa trên sợ hãi.

Theo Hiên Mai

SGTT

Dòng sự kiện: Mang thai