Đâu là ranh giới thực phẩm và thuốc chữa bệnh?
Việc quan trọng hóa vai trò phòng ngừa, kiểm soát sức khỏe của thực phẩm đã làm cho thực phẩm bổ sung và thực phẩm chức năng cơ hội “cất cánh”. Tuy nhiên, chính điều đó đã gây bối rối và nhầm lẫn cho người tiêu dùng toàn cầu.
Cuối tháng 8 vừa qua, cơ quan chức năng đã lập biên bản thực phẩm chức năng “Viên rong biển” của Công ty TNHH Thanh An (Hà Nội) có nội dung nhãn hàng trái với công bố tại Cục An toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong khi trên giấy phép ghi rõ loại tảo biển này “có nhiều vi chất dinh dưỡng, nên dùng tốt cho những người suy nhược cơ thể do dinh dưỡng không cân đối. Ngoài ra, cung cấp một lượng chất xơ tự nhiên cao giúp ổn định hoạt động của bộ máy tiêu hóa, đặc biệt là đại tràng”, thì trên nhãn mác của sản phẩm lại phóng đại công dụng gần như là… thần dược trị bá bệnh: “Bổ sung dưỡng chất cho cơ thể, chống loãng xương, táo bón, trĩ, lợi tiểu. Ngăn ngừa chứng huyết khối, giảm cholesterol, phòng chống ung thư dạ dày, đại tràng, trị bướu cổ, tràng nhạc, xám da, lọc máu, thải độc, viêm gan B, giảm béo. Đặc biệt đối với người béo phì, đái tháo đường, huyết áp, tim mạch”.
Đây là chỉ là một trong nhiều trường hợp vi phạm rất phổ biến hiện nay trong "mê hồn trận" thực phẩm chức năng đang lưu hành trên thị trường trong nước.
Thị trường béo bở
Thực phẩm chức năng (functional food) là chế phẩm thực phẩm, tuy không thay thế thuốc chữa bệnh nhưng nằm ở ranh giới giữa thực phẩm và thuốc chữa bệnh. Loại thực phẩm này vừa cung cấp dinh dưỡng cơ bản vừa có chức năng phòng chống bệnh tật và tăng cường sức khỏe.
Thị trường thực phẩm chức năng là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất, với mức tăng trưởng 10%/năm tại nhiều quốc gia. Hàng năm, thế giới tiêu thụ đến gần 70 tỉ USD các chất bổ sung dinh dưỡng và thực phẩm chức năng, trong đó nước Mỹ chiếm tới 1/3 (23,1 tỉ USD), thị trường châu Âu chiếm 1/3 còn châu Á ước tính khoảng bảy tỉ USD.
Loại thực phẩm chức năng được kể đến đầu tiên là những thực phẩm có tính “món ăn bài thuốc” mà khi ở dạng tự nhiên đã có lượng hoạt chất có lợi dồi dào, chẳng hạn như quả bưởi cung cấp nhiều sinh tố, đặc biệt là vitamin C, PP, B1, B2 và tiền vitamin A….
Tiếp đó là nhóm thực phẩm có ít hoạt chất hơn, phải bổ sung hoặc tinh chế lại ở dạng dễ sử dụng, hoặc được biến đổi gene để tăng hàm lượng một số chất có lợi. Ví dụ từ quả cà chua có chứa betacaroten, lycopen là chất chống oxy hoá cực mạnh, phương Tây đã chế ra hàng chục loại thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh. Hay quả gấc ở nước ta có chưa lượng alphatocopherol (vitamin E) dồi dào nên đã được tinh chế thành viên nang gấc có tác dụng phòng chống được nhiều bệnh.
Theo thống kê, những loại thực phẩm chức năng được người tiêu dùng quan tâm nhất hiện nay nhằm vào các tác dụng: giảm cân, điều chỉnh huyết áp, sáng mắt, cải thiện bộ máy tiêu hóa, hỗ trợ trí nhớ, tăng cường sức khỏe... Các sản phẩm này được bao, gói, đóng trong các chai lọ dưới dạng lỏng, viên nén, bột và được bày bán tại các quầy dược phẩm, siêu thị.
Việc người ta ngày càng quan tâm nhiều hơn tới sức khỏe, cố gắng lựa chọn thực phẩm giúp phòng ngừa hoặc kiểm soát được một số tình trạng của bản thân như làm chậm tiến trình lão hóa, giảm thể trọng… đã làm cho thực phẩm bổ sung và thực phẩm chức năng cơ hội “cất cánh”. Tuy nhiên, chính việc quan trọng hóa vai trò phòng chống bệnh của loại thực phẩm này đã gây bối rối và nhầm lẫn cho người tiêu dùng toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Bùng nổ thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam
Vài năm gần đây, ở nước ta đã bùng nổ phong trào sản xuất nhiều loại thực phẩm chức năng từ nguyên liệu nhập khẩu và trong nước, với gần 3.000 loại đang lưu hành. Quy định của Bộ Y tế là trên nhãn sản phẩm không được ghi chỉ định điều trị bất kỳ một bệnh cụ thể nào. Còn đối với thực phẩm chứa hoạt chất sinh học, trên nhãn hoặc nhãn phụ bắt buộc phải ghi dòng chữ: “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia y tế, việc cấp phép cũng như quản lý các loại thực phẩm này hiện đang có nhiều bất cập, từ đó nảy sinh một số vấn đề vượt ngoài tầm kiểm soát, như sản phẩm được quảng cáo không đúng mức, thậm chí sai sự thật, gây hậu quả không hay cho người tiêu dùng.
Một chuyên viên của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm nhận định không ít thực phẩm chức năng tại Việt Nam có chất lượng nguyên liệu không đồng nhất, không chuẩn hoá, khâu chế biến chưa đạt yêu cầu và vẫn chưa có tiêu chuẩn cụ thể, trong khi giá lại đắt hơn nhiều so với thực phẩm thông thường.
Đáng lưu ý chỉ riêng trong sáu tháng đầu năm 2007, đã có trên 1.000 loại thực phẩm chức năng được tung ra thị trường. Nhiều sản phẩm trong số này được quảng cáo có tác dụng thần kỳ như: “Hỗ trợ điều trị tiểu đường, chống lão hóa”, “cần thiết để chống viêm gan, ngăn ngừa khối u và chống ung thư”, hoặc “tăng miễn dịch, làm sáng mắt, da dẻ mượt mà, tạo dáng trẻ trung và nhanh nhẹn” ….
Đặc biệt những phụ nữ dư cân, béo phì là “con mồi” béo bở của các cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng, với vô số sản phẩm được quảng cáo bay bổng như: “Đánh thức vẻ đẹp tiềm ẩn”, “Giảm cân an toàn và hiệu quả cùng H.”, “Chúng tôi đã thon thả hơn nhờ thực phẩm chức năng M.M” …
Thế nhưng thực tế thì sao? Trong quảng cáo “Giảm cân an toàn hiệu quả cùng H.” có ghi: “Bạn lo lắng về tình trạng dư cân và béo bụng ngày càng tăng? H. sẽ giúp bạn nhẹ nhàng hơn, tự tin hơn”. Nếu đọc kỹ, sẽ thấy có thêm dòng chữ nhỏ phía dưới: “Cần đi kèm với chế độ dinh dưỡng hợp lý và tập thể dục thường xuyên”. Ai cũng biết, chế độ dinh dưỡng hợp lý và tập thể dục thường xuyên chính là hai biện pháp hiệu quả nhất trong quá trình điều trị bệnh béo phì. Và nếu đã tuân thủ nghiêm ngặt hai biện pháp trên chắc chắn sẽ giảm cân mà không cần đến một biện pháp nào nữa!
Mặt khác, một thực phẩm chức năng, cho dù có tác dụng tốt đối với sức khỏe, cũng cần được dùng với liều lượng hợp lý chứ không phải bao nhiêu cũng được. Theo một kết quả nghiên cứu, với cùng một loại thực phẩm chức năng có tác dụng phòng ngừa bệnh ung thư, nhưng nếu được dùng với liều cao có thể là tác nhân gây ung thư.
Do vậy điều quan trọng là người tiêu dùng phải phân biệt những thực phẩm chức năng có ích đã được khoa học chứng minh khá đầy đủ, với những loại cần nghiên cứu thêm. Không nên vội vàng sử dụng khi mới chỉ có kết quả của một vài nghiên cứu ban đầu. Và nên chọn mua những sản phẩm của các thương hiệu có uy tín, cũng như đọc kỹ các thông tin xác nhận về lợi ích cho sức khỏe.
Theo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần