Dấu hiệu u lympho không Hodgkin

Hà An

(Dân trí) - U lympho không Hodgkin biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, hay gặp nhất là nổi hạch ngoại vi vùng cổ, nách, bẹn, không đau.

U lympho ác tính hay còn gọi là bệnh ung thư hạch là một trong những bệnh ung thư đang có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây. Đây là một bệnh máu ác tính có khả năng điều trị hiệu quả, tỷ lệ lui bệnh và kéo dài thời gian sống cao nếu người bệnh tuân thủ điều trị.

Bệnh gồm 2 nhóm:

- U lympho Hodgkin (chiếm khoảng 20-30%).

- U lympho không Hodgkin (70-80%).

Dấu hiệu u lympho không Hodgkin - 1

Ảnh: Aidsmap.

Theo TS.BS Vũ Đức Bình, Trưởng khoa Bệnh máu tổng hợp, Viện Huyết học - Truyền máu TW, u lympho không Hodgkin là nhóm bệnh ác tính của mô lympho, có thể biểu hiện tại hạch hoặc ngoài hạch. Về cơ bản, u lympho không Hodgkin được chia thành 2 nhóm: tế bào B và tế bào T. Mỗi nhóm lại bao gồm nhiều thể bệnh khác nhau.  

Triệu chứng của u lympho không Hodgkin

Biểu hiện lâm sàng của u lympho không Hodgkin rất đa dạng, hay gặp nhất là nổi hạch ngoại vi vùng cổ, nách, bẹn, không đau.

Các triệu chứng toàn thân khác có thể xuất hiện như: sốt không rõ nguyên nhân, vã mồ hôi về đêm, mệt mỏi, sút cân không rõ nguyên nhân, sẩn ngứa ở da. 

U lympho không Hodgkin cũng có thể biểu hiện ở các hạch trung tâm hoặc tổn thương ngoài hạch như đường tiêu hóa, tủy xương, hệ thần kinh trung ương, vòm họng, amidan...

Cụ thể:

- Có đến 60% người bệnh có hạch to, và không đau. Hạch thường xuất hiện ở cổ, hố thượng đòn, nách, bẹn, có thể gặp hạch trung thất, hạch ổ bụng.

- Tổn thương ngoài hạch tiên phát chiếm khoảng 40% nghĩa là u xuất hiện đầu tiên, ở ngoài các hạch lympho, như dạ dày, amidan, hốc mắt, da…

- Lách thường to độ I/II, tuy nhiên, trong u lympho thể lách hoặc giai đoạn muộn của bệnh, lách có thể to độ III/IV.

- Gan to ít gặp hơn và thường kèm theo hạch to và/hoặc lách to.

- Khoảng < 25% trường hợp có triệu chứng "B" còn gọi là tam chứng B gồm: sốt, ra mồ hôi đêm, sút cân trên 10% trọng lượng cơ thể trong 6 tháng không giải thích được nguyên nhân.

- Có thể thiếu máu do hạch xâm lấn tủy xương, tan máu tự miễn, cường lách hoặc hiếm hơn là do hiện tượng thực bào tế bào máu.

- Giai đoạn muộn, thường có biểu hiện chèn ép, xâm lấn của mô lympho. Ví dụ như: Hội chứng trung thất, liệt do chèn ép tủy sống, lồi mắt, tắc ruột nếu u ống tiêu hóa…

Điều trị bệnh như thế nào?

Theo Healthline, bệnh có thể được điều trị theo một số cách:

- Hóa trị có thể được thực hiện bằng đường uống hoặc tiêm. Nó tiêu diệt các tế bào ung thư. Hóa trị có thể được sử dụng một mình hoặc với các phương pháp điều trị khác.

- Xạ trị liên quan đến việc sử dụng các chùm năng lượng công suất cao để tiêu diệt các tế bào ung thư và loại bỏ các khối u. Xạ trị có thể được sử dụng một mình hoặc với các phương pháp điều trị khác.

- Việc cấy ghép tế bào gốc cho phép bác sĩ sử dụng liều cao hơn của hóa trị liệu. Phương pháp điều trị này tiêu diệt tế bào gốc cũng như tế bào ung thư. Sau đó, bác sĩ sử dụng phương pháp cấy ghép để trả lại các tế bào khỏe mạnh cho cơ thể. Bác sĩ có thể cấy ghép tế bào của chính bạn hoặc họ có thể sử dụng tế bào của người hiến tặng. 

Thuốc có thể được sử dụng để tăng cường hệ thống miễn dịch. Chúng cũng có thể được sử dụng để cung cấp các đồng vị phóng xạ liên kết với các tế bào ung thư.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm