Dấu hiệu của vàng da bệnh lý?
(Dân trí) - Em gái tôi vừa sinh con được 2 ngày tuổi. Quan sát kỹ bé tôi thấy có nhiều nốt sần sùi trên mặt và da có màu hơi ngả vàng. Tôi nghe nói nếu bị vàng da nặng em bé có thể bị tổn thương não không phục hồi...
Tuy nhiên, những người lớn tuổi khẳng định, em bé nào sinh ra cũng vậy, chỉ vài ngày là khỏi. Vậy xin hỏi, có dấu hiệu sớm nào để phân biệt giữa vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý để chúng tôi có thể kịp thời đưa bé đi khám? Hạnh Linh ( Thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc)
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) trả lời:
Đúng là ở trẻ sơ sinh, hiện tượng vàng da rất phổ biến. Hầu hết trẻ sơ sinh sau sinh từ 2 - 3 ngày là bị vàng da, sau đó mức độ tăng dần cho đến ngày thứ 7 - 10 rồi hết. Nguyên nhân là do các hồng cầu trong máu bị vỡ quá nhanh, chuyển hoá thành Bilirubin - một chất có sắc tố màu vàng. Bilirubin càng nhiều trong máu, mức độ vàng da càng nặng hơn.
Với vàng da sinh lý, chất Bilirubin ở giới hạn thấp nên không gây ảnh hưởng gì tới sức khỏe của trẻ. Còn với vàng da bệnh lý, chất bilirubin vượt qua giới hạn cho phép, gan không đào thải kịp, bilirubin có nguy cơ thấm vào não (vàng da nhân) gây tổn thương não không hồi phục được. Vì thế, nếu xác định vàng da bệnh lý phải điều trị trước 7 ngày sau sinh để phòng nguy cơ tổn thương não.
- Hầu hết trẻ sơ sinh sau 2 - 3 ngày là bị vàng da sinh lý, còn nếu bị vàng da trong 1- 2 ngày sau sinh thì gần như 80 - 90% là vàng da bệnh lý. Còn trẻ sơ sinh sau ngày thứ 3 mới bị vàng da thì ít nguy hiểm hơn nhưng vẫn phải luôn quan sát để ý. Đặc biệt phải quan tâm đến vàng da ở trẻ sinh non vì não của những trẻ này chưa hoàn thiện nên dù lượng bilirubin dù thấp hơn ngưỡng cho phép thì đã phải chiếu đèn điều trị.
- Nếu trẻ vàng da chỉ ở phần đầu, nhưng là trẻ sinh non, hoặc vàng da phần đầu, ngực nhưng lại có các triệu chứng nôn trớ, bú khó khăn, bú kém, hay quấy, khóc, ngủ li bì hay có bất cứ những dấu hiệu nghi ngờ khác thì hãy đưa trẻ đi khám ngay lập tức. Mức độ nặng hơn trẻ có thể bị co giật, li bì, hôn mê, bỏ bú nhưng thường ít số. Đây là những biểu hiện sớm cho thấy vàng da đã có thể ảnh hưởng đến não.
Các bà mẹ luôn cần ghi nhớ, giữa ngưỡng vàng da sinh lý đến bệnh lý rất mong manh. Hơn nữa, có những bé dù không có triệu chứng của vàng da, không nôn, vẫn chơi bình thường nhưng chất Bilirubin đã thấm vào não. Vì thế, có điều kiện, tốt nhất cho con tới viện khám để được lấy máu kiểm tra. Nếu bilirubin đến ngưỡng quy định bé sẽ được chiếu đèn điều trị. Được điều trị đúng cách, trẻ sẽ hết vàng da và không để lại bất cứ di chứng gì cho sức khoẻ của trẻ sau này.
Hồng Hải (ghi)