Dầu gió cũng là thuốc!

Theo TS.DS Nguyễn Phương Dung Trưởng bộ môn bào chế, khoa y học cổ truyền, ĐH Y dược TPHCM, dầu gió vẫn là thuốc, không thể xài tuỳ tiện vì đã có trường hợp trẻ nhỏ chết khi chỉ nhỏ một giọt dầu có hàm lượng menthol 1%

 

Dầu gió cũng là thuốc! - 1


Đây là sản phẩm rất thông dụng, hầu như không nhà nào không có sẵn một vài chai dầu để phòng khi nhức đầu, nghẹt mũi, muỗi đốt, chột bụng, đầy hơi… Cùng với đó là  rất nhiều loại dầu lưu hành trên thị trường với đủ kiểu dáng, màu sắc mà người dân thường gọi là dầu gió xanh, dầu gió nâu, dầu gió đỏ… Đây là sản phẩm không cần kê đơn, có thể tìm mua dễ dàng. Nhiều người thường xuyên dùng dầu gió để hít, thoa, xông hơi, pha nước tắm, uống… đến mức nghiện dầu.

 

Những thói quen này có thể đưa đến một số phản ứng bất lợi cho sức khoẻ. Vì dù là sản phẩm không kê toa, dầu gió vẫn là thuốc. Thành phần của dầu gió là tinh dầu và các chất chiết xuất từ tinh dầu, như tinh dầu bạc hà, khuynh diệp, quế, tràm, long não, hương nhu, thông, menthol, methyl salicylat, camphor, cineol… Trong công thức dầu gió, tinh dầu bạc hà (chứa methol) và methyl salicylat là hai thành phần thường gặp nhất.

 

Không uống dầu gió chứa methyl salicylat

 

Dung dịch methyl salicylat không màu, mùi thơm hắc, là sản phẩm tự nhiên của rất nhiều loại cây. Chúng được xếp vào nhóm thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid, do có thể ngấm qua da nên chỉ dùng xoa bóp giảm đau tại chỗ. Các nhà sản xuất thường kết hợp methyl salicylat với các tinh dầu nhằm giúp vùng da được xoa dầu trở nên nóng nhanh, giãn nở các mạch máu ngoại biên, tăng tuần hoàn máu, giúp thuốc thẩm thấu vào mô dễ dàng, giảm nhanh cơn đau và cứng cơ.

 

Tác dụng phụ của methyl salicylat là gây xung huyết da, nên sản phẩm có chứa chất này thường chỉ được dùng làm thuốc bôi ngoài, xoa bóp, băng dán giảm đau, không dùng để uống và bôi lên vết thương hở, không sử dụng cho người dị ứng aspirin hoặc salicylat. Hơi dầu gió chứa tinh dầu có tác dụng thông mũi, nhưng nếu chứa methyl salicylat hàm lượng cao hoặc hít thường xuyên có thể làm tổn thương màng nhầy cơ quan hô hấp, triệu chứng đầu tiên là cảm giác khô, rát mũi họng.

 

Không dùng tinh dầu bạc hà cho trẻ nhỏ

 

Tinh dầu bạc hà chứa nhiều menthol (bạc hà não, kết tinh màu trắng), có vị cay, tính mát, có tác dụng hạ sốt, ra mồ hôi, giảm đau, giảm ho, sát trùng. Do đặc tính bốc hơi nhanh, nó gây cảm giác mát và tê tại chỗ, rất hiệu quả với các trường hợp đau dây thần kinh. Vì lý do này mà bạc hà và menthol hiện diện trong hầu hết các loại dầu dùng để xoa bóp nơi sưng đau, khớp xương, sát trùng ngoài da, pha trong nước đun sôi 1 - 2 phần ngàn làm nước súc miệng, phòng ngừa các bệnh viêm họng, nhiễm trùng răng, miệng.

 

Người ta còn sử dụng tinh dầu bạc hà pha loãng với nước ấm (5-10 giọt) uống khi nhức đầu, sổ mũi, sốt, đau họng, đau bụng, tiêu chảy. Những nghiên cứu mới đây cho thấy bạc hà còn có hiệu quả điều trị viêm loét dạ dày do làm giảm bài tiết dịch vị và giảm đau. Tác dụng phụ của menthol là ức chế cơ trơn hô hấp, tuần hoàn.

 

Vì thế, bôi dầu có thành phần này vào mũi hoặc cổ họng trẻ nhỏ có thể làm ngừng thở và ngưng tim! Vì vậy, cần hết sức thận trọng khi dùng tinh dầu bạc hà hoặc dầu cù là cho trẻ nhỏ tuổi, nhất là trẻ sơ sinh. Tinh dầu bạc hà và menthol còn làm tăng bài tiết mồ hôi, khiến thân nhiệt hạ thấp, nên không dùng với người bị lở ngứa, tự ra mồ hôi (biểu hư tự hãn), sốt do âm hư, bệnh nặng mới khỏi, người suy nhược, táo bón, huyết áp cao, trẻ dưới một tuổi…

 

Một thành phần khác cũng hay gặp trong dầu gió là tinh dầu tràm. Kinh nghiệm cho thấy tinh dầu tràm khá an toàn để phòng ngừa cảm mạo cho người già, người bệnh, sản phụ, trẻ nhỏ (kể cả sơ sinh). Với những trường hợp không sử dụng được tinh dầu bạc hà thì chế phẩm chứa tinh dầu tràm là lựa chọn đáng lưu tâm.

 

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Việt Nam cho biết tinh dầu tràm gió có chứa hai hợp chất chính là Eucalyptol (42-52%) và α-Terpineol (5-12%). Eucalyptol có tác dụng sát khuẩn nhẹ, long đàm, hương thơm nên được dùng để điều chế thuốc ho, nước súc miệng và mỹ phẩm... α-Terpineol có tác dụng sát khuẩn, kháng nấm, đặc biệt là ức chế được cả virus cúm H5N1.

  

Theo TS.DS Nguyễn Phương Dung

Trưởng bộ môn bào chế, khoa y học cổ truyền, ĐH Y dược TPHCM

SGTT