Dầu dừa: "Anh hùng" hay "tội đồ"?
(Dân trí) - Xu hướng thực phẩm như những con sóng, đến rồi đi nhưng với dầu dừa có vẻ như là ngoại lệ. Ở các nước phát triển, dầu dừa đang được đưa vào mọi món ăn, từ món rán đến món nướng, từ ly cà phê đến chăm sóc tóc và da. Câu hỏi đặt ra là siêu thực phẩm này có đang bị cường điệu hóa?
McKel Hill, nhà phát hiện và là tác giả cuốn “Bóc trần dinh dưỡng” cho biết: “Giống như tất cả các thực phẩm khác, dầu dừa không phải là thực phẩm thần kỳ mà bạn có thể kết hợp nó một cách thoải mái trong cuộc sống với mong muốn thay đổi hoàn toàn sức khỏe”.
Thứ dầu này vốn nổi tiếng này có lượng chất béo no (chất béo bão hòa) chiếm tới hơn 90%. Tức là nếu 1 thìa dầu dừa có 13 g chất béo các loại thì 11 g trong đó là chất béo bão hòa. Trong khi đó, cùng 1 thìa dầu ôliu, chỉ có 2 g chất béo no và chủ yếu là chất béo không bão hòa đơn, vốn rất tốt cho não và sức khỏe tim.
Hiện hướng dẫn về lượng chất béo nạp vào cơ thể chưa có gì thay đổi. Theo khuyến nghị của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, nếu lượng calo trung bình cơ thể nạp vào là 2.000 calo/người/ngày thì lượng chất béo no không được nhiều hơn 13 g.
Chuyên gia dinh dưỡng Penny Kris-Etherton của PennState cảnh báo: “Nếu dầu dừa là một phần của chế độ dinh dưỡng, bạn nên cẩn thận bởi chỉ 1 thìa là đã gần đủ lượng chất béo no cả ngày”.
Thêm vào đó, có những lo lắng đặc biệt đối với việc nạp dầu dừa và các bệnh tật. “Dầu dừa rất giàu chất béo no, vốn liên quan với nồng độ cholesterol LDL tăng cao và khiến tình trạng kháng insulin thêm trầm trọng, một vấn đề của hàng triệu người mắc đái tháo đường typ 2 và tiền đái tháo đường", chuyên gia Jill Weisenberger , tác giả cuốn Hướng dẫn dinh dưỡng tốt hơn dành cho cá nhân làm việc quá sức, cho biết.
Trên thực tế, một nghiên cứu gần đây trên tạp chí American College of Cardiology đã giải quyết những “vấn đề dinh dưỡng gây tranh cãi” và một trong số đó là dầu dừa.
Sau khi xem xét các nghiên cứu, các nhà khoa học đều khuyến nghị nên tránh dùng dầu dừa do lượng chất béo bão hòa cao có thể ảnh hưởng đến tim. "Chất béo no làm tăng cholesterol LDL, một yếu tố nguy cơ làm tăng bệnh tim”, Kris-Etherton, đồng tác giả nghiên cứu nói.
Tuy nhiên, nói như vậy nhưng không phải ai cũng tránh xa dầu dừa. Nhiều chuyên gia sức khỏe luôn có sẵn loại dầu mềm như sáp này trong tủ lạnh. Bởi có một số nghiên cứu sơ bộ cho thấy dầu dừa hỗ trợ giảm cân, thúc đẩy quá trình trao đổi chất và có tác dụng chống vi khuẩn. Nhiều nghiên cứu cho thấy không có bằng chứng cho thấy chất béo no trong dầu dừa liên quan với nguy cơ mắc bệnh tim. Còn một nghiên cứu gầy đây khẳng định trong chế độ ăn uống lành mạnh, không chế biến sẵn, lượng chất béo bão hòa không làm tăng nguy cơ bệnh tim.
Một số nhà khoa học khác cho rằng chất béo no trong dầu dừa là một chất béo no ngoại lệ vì thành phần chính của nó là axit lauric - 1 chuỗi axit béo trung bình và axit myristic - chuỗi axit béo ngắn (MCTs), vốn cơ thể hấp thụ nhanh hơn.
Tuy nhiên, một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nutrition Reviews cho thấy quan điểm khác, rằng axit lauric là 1 chuỗi axit béo dài và làm tăng cholesterol LDL “xấu”. Vì vậy, trong chế độ ăn kiểu phương Tây (nhiều thực phẩm chế biến sẵn và thức ăn nhanh), dầu dừa không tốt cho sức khỏe.
Vậy trong khi chờ các bằng chứng cụ thể hơn về lợi ích sức khỏe của dầu dừa, bạn nên tuân thủ 4 nguyên tắc sử dụng dầu thông minh đã được công nhận sau:
Chọn loại dầu không đông: Chuyên gia dinh dưỡng Weisenberger khuyến cáo nên dùng các loại dầu không đông để nấu ăn hằng ngày. Bởi dầu không đông sẽ chứa nhiều chất béo không bão hòa và dù gì thì chất béo không bão hòa vẫn luôn tốt hơn và các loại dầu không đông sẽ giúp kiểm soát lượng chất béo no nạp vào cơ thể hiệu quả hơn.
Luôn kiểm soát lượng dầu cho vào món ăn. Chỉ cần nhớ rằng 1 thìa dầu dừa chứa 120 calo và 11 g chất béo no, và bạn cần kết hợp với các loại chất béo có trong dầu ôliu, bơ và trứng… là đảm bảo lượng chất béo lành mạnh cho cơ thể trong cả ngày.
Chỉ thêm dầu dừa vào món tráng miệng. Bởi chúng ta luôn sử dụng hơn 1 thìa dầu khi xào, nấu do đó với dầu dừa, do chứa nhiều chất béo no nên rất dễ đông (tương tự như bơ, mỡ…), sẽ rất phù hợp với món tráng miệng. Bởi với đồ ngọt, bạn sẽ luôn cảnh giác và chỉ ăn ở mức vừa phải. Hơn thế, dầu dừa sẽ đông lại khi để lạnh và vẫn duy trì được trạng thái này khi để ở nhiệt độ phòng nên sẽ là chất kết dính tuyệt vời trong món tráng miệng.
Làm đẹp. Nghiên cứu chỉ ra rằng axit lauric trong dầu dừa giúp làm mềm, nuôi dưỡng và tang cường sức khỏe cho tóc. Dầu dừa cũng giúp cải thiện tình trạng khử nước trên da do tia cực tím.
Cuối cùng, chỉ nên sử dụng một chút dầu dừa trong chế độ ăn thay vì dùng nó như một siêu thực phẩm!
Nhân Hà
Theo MSN