Đau cứng hai ngực, có phải ung thư?

Tú Anh

(Dân trí) - Có những người tự sờ thấy u vú hoặc các đám lổn nhổn không đều trong vú. Đây là các xơ nang tuyến vú, có lo ngại tiến triển thành ung thư không?

Khi bị xơ nang tuyến vú, có chị em bị đau cứng hai vú, thậm chí không mặc được cả áo ngực. Tuy nhiên, phần lớn xơ nang tuyến vú là bệnh lành tính, gặp rất phổ biến ở chị em phụ nữ ở lứa tuổi 35 - 45.

Bác sĩ Bệnh viện Đức Giang cho biết, xơ nang tuyến vú thường gặp ở các dạng sau:

U nang tuyến vú:

Là một khối tròn hay bầu dục, kích thước thay đổi từ vài mm đến vài cm, bên trong chứa dịch (màu vàng trong, đôi khi màu vàng đục, trắng đục, xanh, hiếm khi màu đỏ), bọc bên ngoài là vỏ nang có thể mỏng hoặc dày.

Viêm xơ tuyến vú:

Là tổn thương dạng mảng hay khối đặc, kích thước vài cm, không rõ ranh giới, thường xuất hiện ở nửa trên ngoài của vú, đau nhẹ trước mỗi kỳ kinh

Tăng sản ống tuyến vú:

Thường dưới dạng mảng hay khối đặc (không chứa dịch), kích thước từ 1 - 4 cm, có thể là một mảng hoặc nhiều mảng ở 1 hoặc 2 vú. Các mảng này giới hạn không rõ ràng, mật độ chắc hơn tuyến vú xung quanh, đau khi ấn. Gần ngày có kinh, kích thước to hơn và gây đau nhiều. Nhưng khi bắt đầu kỳ kinh,  kích thước lại nhỏ lại và ít đau hơn.

Các biểu hiện xơ nang tuyến vú thường gặp:

Đau vú: Đây là triệu chứng thường gặp nhất khiến nhiều người đi khám. Thường xảy ra ở người đang trong thời kỳ kinh nguyệt, đặc biệt ở người tiền mãn kinh, đau có thể ở một hoặc 2 vú, thường gặp ở nửa trên ngoài vú. Có thể đau nhẹ một tuần trước ngày có kinh, đau ít hơn khi hành kinh; hoặc đau liên tục đến gần ngày có kinh thì đau nhiều hơn, đau ít hơn khi có kinh.

Đặc biệt, nhiều người có cảm giác đau căng cứng cả 2 vú, đau nhiều đến nỗi không dám động chạm vào, không dám mặc áo ngực.

Tự sờ thấy u: Những người có xơ nang vú thường tự sờ thấy u vú hoặc các đám lổn nhổn không đều trong vú.

Khi xuất hiện các triệu chứng này, chị em cần đến bệnh viện để khám, sàng lọc có để đánh giá chính xác u xơ lành tính hay ung thư.

Bệnh nhân sẽ được siêu âm vú. Ngoài ra, có thể chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA) để sinh thiết, hoặc  chụp X-quang vú (Mammography) để tìm dấu hiệu vôi hóa hoặc co kéo.

Khi xác định chính xác là u xơ, người bệnh nên giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, duy trì chế độ dinh dưỡng cân đối, khoa học. Nên ăn nhiều thức ăn giàu vitamin nhóm B, Kali, Magiê như gạo lứt, trái cây, rau quả để giảm ứ nước, giảm các triệu chứng đau tức ngực. Cần tránh các thức ăn nhiều muối, nhiều chất béo, tránh các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá.

Trong trường hợp cần thiết có thể dùng thuốc giảm đau, thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp u nang to và phát triển nhanh gây căng tức, nang vú bội nhiễm áp xe hóa, hoặc nghi ngờ ác tính có thể phải phẫu thuật.