Đặt stent động mạch vành, cứu sống khách du lịch nhồi máu cơ tim cấp trong đêm

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Bệnh nhân P.T.T.Chung (nữ, 65 tuổi) từ Nha Trang ra Hà Nội du lịch, nhập viện cấp cứu trong đêm với tình trạng khó thở dữ dội, tức nghẹn ở cổ, chẩn đoán phù phổi cấp do nhồi máu cơ tim cấp.

Sau khi hội chẩn và tiến hành đặt stent mạch vành, bệnh nhân dần trở về trạng thái bình thường.

Chuyến du lịch bất đắc dĩ trở thành đi viện vì nhồi máu cơ tim cấp

Bà Chung (65 tuổi) sinh sống tại Nha Trang. Trong thời gian ra Hà Nội du lịch cùng gia đình, bà có dấu hiệu khó thở dữ dội kèm theo tức nghẹn ở cổ vào nửa đêm. Bà nhanh chóng được đưa tới Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hồng Ngọc - Phúc Trường Minh cấp cứu trong đêm.

Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường nhiều năm; đặc biệt, từng bị tai biến mạch máu não năm 2017.

Sau thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán phù phổi cấp do nhồi máu cơ tim cấp. Các bác sĩ nhanh chóng tiến hành hội chẩn và quyết định can thiệp đặt stent khơi thông động mạch vành cho bệnh nhân.

1h sáng, phòng mổ vẫn sáng đèn

1h sáng, ê-kíp can thiệp tim mạch của BVĐK Hồng Ngọc khẩn trương chuẩn bị và tiến hành tỉ mỉ từng thao tác đặt stent mạch vành để giành giật sự sống cho bệnh nhân. "Từng thao tác phải thật chuẩn xác và nhanh chóng để không bỏ lỡ thời điểm vàng", bác sĩ Hải, đại diện ê-kíp mổ chia sẻ.

Đặt stent động mạch vành, cứu sống khách du lịch nhồi máu cơ tim cấp trong đêm - 1
Bác sĩ Nguyễn Văn Hải đang can thiệp đặt stent mạch vành cho bệnh nhân (Ảnh: BVĐK Hồng Ngọc).

Ths.BS. Nguyễn Văn Hải - Chuyên gia can thiệp động mạch vành tại BVĐK Hồng Ngọc, người trực tiếp thực hiện can thiệp cho bệnh nhân Chung cho biết, kết quả chụp động mạch vành cho thấy bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch mũ cấp, hẹp 80% đoạn 1 động mạch liên thất trước và động mạch vành phải hẹp 90-95% mạch lan tỏa từ đoạn 1 đến đoạn 3".

Đây là tình trạng thường gặp ở bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường lâu năm. Ở những bệnh nhân này, thường bị tắc 2 - 3 mạch cùng lúc nên tình trạng hết sức nguy kịch.

"Sau khi hội chẩn, chúng tôi nhận định tắc động mạch mũ cấp là thủ phạm dẫn đến tình trạng nhồi máu cơ tim cấp của bệnh nhân và quyết định tiến hành đặt stent khơi thông động mạch này. Một stent có kích thước 2,75x29 được đặt vào động mạch mũ, dòng chảy được khơi thông nhanh chóng với tốc độ chảy tốt", BS. Hải chia sẻ thêm.

Đặt stent động mạch vành, cứu sống khách du lịch nhồi máu cơ tim cấp trong đêm - 2
Động mạch vành trước và sau khi được can thiệp (Ảnh: BVĐK Hồng Ngọc).

Sau khoảng 60 phút thực hiện can thiệp dưới sự hỗ trợ của máy chụp số hóa xóa nền DSA hiện đại, can thiệp được tiến hành thành công. Bệnh nhân dần trở về trạng thái ổn định, nhịp tim, huyết động tốt; triệu chứng khó thở, tức ngực cải thiện rõ ràng.

Theo bác sĩ Hải, đặt stent mạch vành là kỹ thuật hiện đại, xâm lấn tối thiểu nhưng đem lại hiệu quả nhanh chóng, rõ ràng. Bệnh nhân không cần gây mê, chỉ gây tê tại chỗ khi thực hiện thủ thuật tạo đường vào ở cổ tay để tiến hành can thiệp. Bệnh nhân tỉnh táo suốt quá trình can thiệp, có thể trò chuyện được với bác sĩ và cảm nhận được tình trạng tiến triển trong thời gian can thiệp.

Sau 1 tuần nằm viện, được theo dõi, chăm sóc hằng ngày, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân Chung ổn định hơn. Huyết áp duy trì 110/70 - 120/70mmHg, nhịp tim 70 chu kỳ đập/phút, đường huyết được kiểm soát tốt, tình trạng đau tức ngực, khó thở không còn và được xuất viện.

Đặt stent động mạch vành, cứu sống khách du lịch nhồi máu cơ tim cấp trong đêm - 3
Bệnh nhân vui vẻ trong ngày được xuất viện (Ảnh: BVĐK Hồng Ngọc).

Anh Trần Hoàng Nguyên - con trai bệnh nhân chia sẻ: "Gia đình chúng tôi từ Nha Trang ra Hà Nội du lịch, nhưng bệnh tình ập đến với mẹ tôi nên chuyến đi chơi trở thành đi viện. Tuy nhiên, tôi hài lòng về phản ứng nhanh, kịp thời và tư vấn đầy đủ của ê-kíp cấp cứu cho mẹ tôi rạng sáng ngày 19/8. Đặc biệt vào lúc 1-2h sáng mà có cả đội ngũ bác sĩ tim mạch chuyên môn cao thực hiện thủ thuật nhanh chóng, không sai sót để cứu sống mẹ tôi".

Lời khuyên từ chuyên gia sau khi can thiệp đặt stent

Đặt stent mạch vành, nhất là ở những bệnh nhân có bệnh lý nền như cao huyết áp, đái tháo đường là cần thiết; bởi nếu không can thiệp, nguy cơ tái phát, tắc động mạch vành ở những vị trí khác là rất cao.

"Với những bệnh nhân tim mạch, sau đặt stent cần tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sĩ. Stent khi được đặt vào thực chất là một dị vật nên dễ hình thành cục máu đông sau đó. Vì vậy, người bệnh phải uống thuốc kháng kết tập tiểu cầu hằng ngày để tránh tắc mạch. Ngoài ra, cần kiểm soát tốt huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu và thăm khám tim mạch thường xuyên. Sau can thiệp, bệnh nhân cần vận động nhẹ nhàng 2 tuần đến 1 tháng rồi mới trở lại sinh hoạt bình thường", bác sĩ Hải nhấn mạnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm