Đắp lá cây chữa gãy tay, cháu bé bị hoại tử, nhiễm trùng huyết nặng

Minh Nhật

(Dân trí) - Sau khi bị gãy tay, bố cháu bé đã vào rừng hái lá cây băng bó. Khi băng bó xong thấy cháu không còn kêu đau, ăn uống bình thường nên gia đình không đưa đến bệnh viện.

Bệnh nhi T.A.C. (10 tuổi, sống tại huyện Nậm Nhùn, Lai Châu) được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, do 2/3 trên cánh tay phải trở xuống bị tím đen, bốc mùi hôi thối.

Sau khi nhập viện và làm thủ tục xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán cánh tay phải của cháu bé đã bị hoại tử hoàn toàn, xương cùi chỏ bị lòi ra và nhiễm trùng huyết nặng.

Theo chia sẻ của gia đình, trong thời gian đi chăn trâu, do nô với các bạn, cháu nhảy trên lưng trâu xuống và bị ngã dẫn đến gãy cánh tay phải, chảy nhiều máu. Tuy nhiên, thay vì đưa đến bệnh viện, bố cháu bé đã vào rừng hái lá cây băng bó cho cháu. Khi băng bó xong thấy cháu không còn kêu đau, ăn uống bình thường, nghĩ là không sao và cũng do bận đi làm nương nên không đưa cháu đi khám.

Đắp lá cây chữa gãy tay, cháu bé bị hoại tử, nhiễm trùng huyết nặng - 1

Dùng lá cây chữa gãy tay, cháu bé nguy kịch vì bị hoại tử (Ảnh minh họa).

Khoảng hai hôm sau thấy tay cháu C. sưng to, bốc mùi hôi, gia đình mới nhanh chóng đưa lên Bệnh viện.

Thời điểm nhập viện, các bác sĩ xác định vì bệnh nhi được bó bột bằng lá cây rừng vào vết thương hở nên bị viêm tắc mạch nuôi cánh tay, hoại tử phần mềm và sưng to đến mức vỡ, loét do vi khuẩn tấn công, tiên lượng rất xấu.

Một trường hợp khác là bệnh nhi H.A.C. (huyện Tam Đường, Lai Châu) cũng nhập viện trong tình trạng, bị phỏng cánh tay trái do đắp lá cây được hái trên rừng.

Mẹ cháu C. cho biết, nghỉ hè cháu C. ở nhà chơi cùng các bạn trong bản nhưng không may bị ngã. Thấy con bị đau, chị vào rừng hái lá về giã và đắp lên tay cho con. Lúc đầu vết thương của cháu C. có giảm đau, sau đó ngày càng sưng to và phồng rộp như mụn nước.

Tại Bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán C. bị gãy kín lồi cầu trong xương cánh tay trái, phải bó bột và điều trị phỏng nước.

Thời gian vừa qua, trung bình mỗi tháng Khoa Ngoại (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu) tiếp nhận khoảng 5 bệnh nhân bị chấn thương do sử dụng lá cây rừng chữa tại nhà. Đến khi cơ thể có dấu hiệu bất thường, bệnh nhân mới đến bệnh viện khám, thì nhiều trường hợp đã quá muộn.

BS Nguyễn Thanh Thủy - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết: "Thời gian qua, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân đã trở nặng do chữa bệnh bằng cách dân gian hoặc truyền miệng. Đặc biệt là sử dụng lá cây rừng điều trị theo kinh nghiệm và chưa được kiểm chứng, không đảm bảo sạch khi đắp các vị trí bị tổn thương như: chân, tay, ngón tay, ngón chân… dẫn đến các vết thương bị hoại tử, có trường hợp bị nhiễm trùng, áp xe".

Khi đến bệnh viện điều trị phải cắt bỏ chân, tay hoặc các ngón tay, ngón chân. Nhiều bệnh nhân bị hoại tử nặng, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, thậm chí tử vong.

Chuyên gia này khuyến cáo, hiện có rất nhiều loại cây có thể chữa bệnh nhưng cũng rất độc hại với sức khỏe con người. Ví dụ như cây thuốc hoàng lan nếu được chế biến và chỉ định dùng đúng liều mới có tác dụng chữa bệnh. Song dùng quá liều thì gây hôn mê dẫn đến tử vong.

Ngoài ra, mỗi bệnh nhân khi ốm đau hoặc chấn thương đều có cơ chế bệnh khác nhau, không phải trường hợp nào cũng tùy tiện sử dụng lá cây rừng làm thuốc. Điều đó sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm