Đáng sợ mỹ phẩm "công nghệ… tay chân"

Nhiều trường hợp bị mòn da, rụng lông mi, sưng mắt… do dùng mỹ phẩm “công nghệ tay chân”.

BS-CKII Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Da liễu TP.HCM, cho biết ngày nào BV cũng tiếp nhận vài bệnh nhân đến khám do sử dụng mỹ phẩm giả.

Mặt mũi ngày càng “khó coi”

Qua người quen giới thiệu, chị TTY (quận Thủ Đức) mua một hộp kem trị nám với giá 780.000 đồng/hộp. Sau lần đầu sử dụng, chị cảm thấy ngứa ngáy. Tiếp tục sử dụng lần hai, mặt chị sưng phù, da căng cứng. Chị đến BV Da liễu khám, các bác sĩ cho biết chị bị viêm da dị ứng do tiếp xúc nên phải được điều trị và theo dõi.

Tương tự, chị LBT (Bình Dương) thấy mặt mình nhiều mụn nên tìm đến một trung tâm thẩm mỹ ở quận 10. Tại đây, chị được tư vấn nặn hút và xài mỹ phẩm không rõ nhãn mác để làm hết mụn. Chỉ sau hai tuần chăm sóc sắc đẹp trọn gói giá 2,5 triệu đồng, mặt chị T. nổi hạt đỏ, nhiễm trùng. Chị “bắt đền” trung tâm này, họ hứa sẽ làm cho hết tình trạng trên. Tuy nhiên, sau nhiều lần lui tới với sự thờ ơ của trung tâm, còn mặt mũi chị ngày càng “khó coi”, chị đã tìm đến BV Da liễu. Tại đây chị được cho biết viêm da do tiếp xúc, nhiễm trùng và phải theo điều trị.

BS Nguyễn Thanh Hùng cho biết nghe theo lời khuyên của bạn bè, người thân không có chuyên môn, nhiều người sử dụng một số loại kem trộn hoặc một số loại thuốc có thành phần không rõ ràng. Đặc biệt là có corticoid, làm cho da người sử dụng sáng, mịn hơn và bớt phản ứng viêm của mụn trứng cá trong 3-4 ngày đầu, do vậy bệnh nhân rất thích và tiếp tục sử dụng. Tuy nhiên, về lâu dài sẽ xảy ra những phản ứng phụ như giãn mạch, teo da, da mỏng, dễ ngứa. Dùng lâu dài hơn sẽ gây ức chế tuyến thượng thận, hội chứng mặt tròn, phù nề như mặt trăng.

BS Hùng cũng cho biết BV thường gặp những trường hợp viêm da tiếp xúc do sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Ngoài ra còn có kem dưỡng da, kem chống lão hóa, sữa rửa mặt tẩy trắng… gây tình trạng da đỏ, teo da và lúc nào cũng cảm thấy ngứa.

Đáng sợ mỹ phẩm "công nghệ… tay chân" - 1
Ảnh 1 và 2: Nguyên liệu mỹ phẩm dỏm cùng “công nghệ tay chân” bị cơ quan chức năng TP.HCM phát hiện. Ảnh: QLTT TP.HCM cung cấp. Ảnh 3: Một trường hợp bị dị ứng da, gây ngứa do dùng mỹ phẩm giả.  Ảnh: BV Da liễu cung cấp

Ngọc trai… giá bèo

Khảo sát tại các chợ lẻ như Phạm Văn Hai, Bà Chiểu…, chúng tôi nhận thấy mỹ phẩm đóng bịch, đóng chai với rất nhiều loại như sữa tắm trắng, dưỡng da… được bày bán tràn lan. Chúng được người bán quảng cáo là làm từ tinh chất thiên nhiên ngọc trai, bùn khoáng nhưng bán với giá rất bèo, có khi chỉ 35.000-45.000 đồng/bịch.

Tại các chợ cũng bán đầy rẫy mỹ phẩm của các thương hiệu nổi tiếng như M.A.C, L’orea Việt Nam, Monaliza… với giá bèo, chẳng hạn mascara (mỹ phẩm bôi mí mắt) của các thương hiệu này chỉ 30.000 đồng/cây.

Ghé một sạp bán mỹ phẩm ở chợ Bình Tây hỏi mua son xí muội, chúng tôi được người bán giới thiệu một chai nhỏ chừng 10 ml giá 18.000 đồng, bán cả lốc 12 chai chứ không bán lẻ. Người bán cho biết thêm đây là hàng Thái nhưng quan sát kỹ không có nhãn phụ tiếng Việt. Ở một quầy khác gần đó, loại son môi này giá bán chỉ 8.000 đồng/chai.

Công nghệ “tay chân”

Một doanh nghiệp trong ngành mỹ phẩm (không muốn nêu tên) cho biết những loại mỹ phẩm đóng bịch, đóng chai đang bán nhiều trên thị trường là mỹ phẩm “tự chế”. Cụ thể, các đối tượng làm giả mua hóa chất, nguyên liệu trong nước hoặc nhập lậu từ Trung Quốc về rồi dùng công nghệ “tay chân” pha chế.

Chẳng hạn, muốn làm mỹ phẩm da trắng nhanh, các đối tượng cho corticoid liều cao vào, dù đây là chất phải dùng theo chỉ định của bác sĩ.

Ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng Giám đốc Cổng chống hàng giả Việt Nam, nói nắm bắt được tâm lý ham rẻ và thích làm đẹp của người tiêu dùng, các đối tượng làm giả dùng các loại hóa chất ăn mòn da để làm mỹ phẩm.

“Các đối tượng làm mỹ phẩm giả tìm mọi cách để chi phí càng thấp càng tốt. Thậm chí họ không cần đầu tư máy móc thiết bị, chỉ trộn những hóa chất sau đó đóng gói vào các bao bì hoặc đóng mác các thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng rồi bán ra thị trường thông qua các kênh, trong đó có kênh online như Facebook” - ông Hồng nói.

Rụng lông mi khi dùng mascara giả

Đại diện L’oreal Việt Nam cho biết từng đem đến Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM yêu cầu phân tích thành phần sử dụng trong 10 mẫu mascara Maybelline (nhãn hàng của L’oreal) mua tại một số chợ, trang mạng; kết quả phân tích cho thấy các sản phẩm này là hàng giả.

Kết quả cho thấy sản phẩm giả có chứa nhiều độc chất ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Cụ thể trong mascara giả có thành phần cấu tạo chủ yếu là Ethylene Ethyl Acrylate (EEA, loại hợp chất được dùng để tạo nên độ cứng trong sản xuất công nghiệp). EEA được cảnh báo có nguy cơ gây ung thư ruột và trực tràng...

Trung tâm Dịch vụ khách hàng của L’Oreal cho biết một số trường hợp bị phản ứng của mascara giả được ghi nhận là rụng hết lông mi, mi mắt sưng to phải nhập viện điều trị…

Chưa cấp phép mỹ phẩm làm từ nhau thai, tế bào gốc

Trước tình trạng trên thị trường bán rất nhiều sản phẩm được cho là có thành phần tế bào gốc từ con người, ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), cho biết các thành phần từ con người thuộc danh mục không được phép sử dụng trong mỹ phẩm và ứng dụng làm đẹp. “Cho đến thời điểm hiện tại, Cục Quản lý dược không cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm cho bất kỳ sản phẩm mỹ phẩm nào có chứa nhau thai, tế bào gốc có nguồn gốc từ con người” - ông Cường nói.

Ông Cường cho biết đã đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra kinh doanh mỹ phẩm nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hoạt động kinh doanh mỹ phẩm trái phép, mỹ phẩm giả, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm có chứa nhau thai và tế bào gốc có nguồn gốc từ con người.

H.HÀ

Nhiều sản phẩm giả hoặc không rõ nguồn gốc còn dán vô tội vạ các loại tem ghi “tem chống hàng giả” để “trấn an” người dùng. Tuy nhiên, các đối tượng làm giả chỉ bắt chước được hình thức thể hiện trên con tem, còn các công nghệ chống giả trên tem rất khó có thể giả được.

Ông NGUYỄN VIẾT HỒNG, Tổng Giám đốc Cổng chống hàng giả Việt Nam

 

Theo Tú Uyên - Duy Tính

Pháp luật TPHCM