1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đắk Lắk:

Dân phản ứng khi lợn nhiễm dịch tả châu Phi từ nơi khác mang về thôn tiêu hủy

(Dân trí) - (Dân trí) – Khi cơ quan chức năng đem lợn nhiễm dịch tả châu Phi từ địa bàn thôn này sang địa bàn thôn chưa phát hiện dịch để tiêu hủy, một số người dân đã ngăn cản, phản ứng vì sợ mầm bệnh sẽ lây lan nhanh.

Sáng 4/6, ông Đinh Xuân Đồng - Chủ tịch UBND xã Ea Rốk (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, một số người dân trên địa bàn thôn 16 (xã Ea Rốk) đã phản ứng khi cơ quan chức năng tổ chức tiêu hủy lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thôn này.

Dân phản ứng khi lợn nhiễm dịch tả châu Phi từ nơi khác mang về thôn tiêu hủy - 1
Đàn lợn nhiễm bệnh nhanh chóng được đưa đi tiêu hủy

Cụ thể, trên địa bàn xã Ea Rốk phát hiện đàn lợn của 2 gia đình ở thôn 12 và thôn 18 có đàn heo nhiễm bệnh. Theo ông Đồng, ngay sau đó cơ quan chức năng đã bàn bạc phương án tiêu hủy 55 con lợn mắc bệnh và thống nhất vận động một hộ dân ở thôn 16 có khu đất rẫy rộng để tiêu hủy lợn, việc  không tiêu hủy ở 2 thôn phát hiện lợn bệnh do quỹ đất ở những thôn này không có.

 “Việc tiêu hủy được thực hiện theo quy trình nhưng khi đoàn đang tiến hành tiêu hủy thì một số hộ dân ra cản trở nói sao đưa dịch bệnh về đây”, ông Đồng cho hay.

Về vụ việc, ông Thủy Lệ Vũ -  Phó Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Đắk Lắk, cho biết, sau khi phát hiện các ổ dịch, cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu độc khử trùng trước khi vận chuyển đi tiêu hủy, việc mang lợn đi nơi khác tiêu hủy là do các thôn này không có quỹ đất .

Dân phản ứng khi lợn nhiễm dịch tả châu Phi từ nơi khác mang về thôn tiêu hủy - 2
Trong vòng 1 tuần lễ, tại Đắk Lắk phát hiện 4 ổ dịch tả lợn châu Phi

“Khi vận chuyển do để thuê được xe đông lạnh phải chờ nhiều ngày mới có được sợ dịch bệnh lây lanh nhanh nên đã dùng xe công nông có lót bạt vận chuyển lợn đi tiêu thụ. Tuy nhiên, vị trí tiêu hủy đảm bảo về quy định về khoảng cách khu dân cư, nguồn nước”, ông Vũ thông tin.

Trước đó, ngày 31/5 và 1/6, tại hộ gia đình ông Cao Ngọc Đình (ngụ thôn 18, xã Ea Rốk) và hộ ông Đinh Quốc Tuấn (ngụ thôn 12, xã Ea Rốk) phát hiện đàn lợn của gia đình có dấu hiệu nôn ói, bỏ ăn. Cùng thời điểm này, tại đồn biên phòng Yok Mbre (xã Ea Bung) phát hiện có 20 con lợn rừng lại (trên tổng số 60 con) có biểu hiện bỏ ăn, ốm yếu và chết nên liền trình báo lên cơ quan chức năng.

Sau khi xét nghiệm đàn lợn nhiễm dịch tả châu Phi, cơ quan chức năng đã tiến hành mang heo đi tiêu hủy và tiến hành họp khẩn, triển khai công tác phòng chống dịch.

Thúy Diễm