1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đàn bà sinh nở mồ côi một mình...

Một phụ nữ tại Thanh Hóa đang mang thai 3 tháng đã cho con nhỏ 20 tháng tuổi uống thuốc chuột và cùng chết lại một lần nữa báo động về tình trạng phụ nữ mang thai, sau sinh bị trầm cảm tự tử. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai dường như chưa được chăm sóc về vấn đề này.

Gánh nặng kép

Tại hội thảo "Kết nối nghiên cứu và chính sách y tế" phiên báo cáo với chủ đề “Bạo lực, sức khỏe sinh sản từ khía cạnh văn hóa – xã hội” do Đại học Y Hà Nội, Đại học Y tế dự phòng và Y tế công cộng vừa tổ chức, các đại biểu đã trình bày nghiên cứu chỉ rõ nhiều phụ nữ mang thai đang chịu nhiều loại bạo lực gia đình khác nhau.


Phụ nữ mang thai cần được chăm sóc cả về thể xác lẫn tinh thần. (ảnh minh họa).  Ảnh: I.T

Phụ nữ mang thai cần được chăm sóc cả về thể xác lẫn tinh thần. (ảnh minh họa).  Ảnh: I.T

Các chuyên gia nghiên cứu về bạo lực sinh sản cho rằng, các thai phụ gặp hoàn cảnh này luôn có nhu cầu được trao đổi với một chuyên gia với sự riêng tư. Nếu có một đường dây nóng hoặc một hình thức hỗ trợ nào đó, có thể bảo đảm được tính bí mật và giấu tên, các thai phụ sẽ thuận tiện hơn trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Thanh (Đại học Y Hà Nội), phụ nữ bị suy giảm đột ngột nội tiết tố estrogen khiến cho tâm trạng dễ bị thay đổi. Sự mệt mỏi, thậm chí đau đớn trong quá trình mang thai, sự căng thẳng, lo lắng đều khiến phụ nữ mang thai dễ rối loạn cảm xúc. Theo thạc sĩ Thanh, thai phụ là nhóm đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương, với tỷ lệ bị bạo lực từ 2 - 57% tại các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Một trong bạo lực mà nhiều phụ nữ mang thai gặp là áp lực sinh con trai. Không chỉ phụ nữ sinh con lần thứ 2, thứ 3 lo lắng không sinh được con trai mà ngay cả phụ nữ sinh con lần đầu cũng muốn sinh được con trai “cho chắc”. Những phụ nữ chịu áp lực sinh con trai thường bị chồng và nhà chồng mắng chửi, ghét bỏ, không nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ công việc khi mang nặng đẻ đau, thậm chí còn phải làm nhiều việc nhà hơn. Đây là gánh nặng kép dễ khiến họ nên càng dễ mệt mỏi, dễ rơi vào trầm cảm hơn là những chị em có được sự quan tâm, động viên từ chồng.

“Gia đình chồng em là độc đinh, nên cả chồng và gia đình chồng đều muốn em sinh con trai đầu. Suốt ngày họ cứ bắt em ăn cái nọ, cái kia, bày tư thế quan hệ để sinh được con trai. Giờ siêu âm thấy con gái cả nhà buồn như đưa ma. Em không muốn bỏ đứa con đầu, nhưng tâm trạng lúc nào cũng mệt mỏi, chán nản” – chị H.K (Đông Anh, có thai 3 tháng) cho biết.

Có thai đến lần thứ 3 vẫn là con gái, chị T.M (Đông Anh) mặt mày xanh xám. Chị bảo chị đã bỏ thai 2 lần rồi nên lần thứ 3 này, bác sĩ bảo nếu chị bỏ thai tiếp thì sẽ hỏng cả tử cung. Nhưng chồng chị và mẹ chồng suốt ngày riết róng, nói nếu chị không sinh được con trai sẽ “đi gửi”. “Thế có khác nào ép em ly hôn, mình em làm sao nuôi nổi hai con. Em cũng không có nhà để về” - chị M đau khổ.

Thiếu sự trợ giúp

Nghiên cứu thuộc Dự án nghiên cứu liên ngành PAVE (tác động của bạo lực đối với sức khỏe sinh sản tại Tanzania và Việt Nam) đã chia sẻ nghiên cứu chỉ rõ sự “đơn độc” của phụ nữ mang thai. Nhóm nghiên cứu đã thu thập thông tin của 1.337 phụ nữ mang thai đến khám thai tại bệnh viện huyện hoặc trạm y tế của huyện Đông Anh (Hà Nội) trong khoảng thời gian 3 năm (2014-2016) và phỏng vấn trực tiếp các thai phụ bị bạo lực.

Kết quả khảo sát đã chỉ ra rằng, gần một nửa số thai phụ được phỏng vấn (44,1%) trả lời họ không được hỗ trợ xã hội khi mang thai (phương tiện, thông tin và tinh thần từ gia đình, bạn bè, hàng xóm hay các tổ chức xã hội...). Việc thiếu sự hỗ trợ xã hội về phương tiện làm tăng nguy cơ thai phụ bị bạo lực cao gấp 2,5 lần. Kết quả tương tự cũng được tìm thấy đối với hỗ trợ tinh thần (2,1 lần) và thông tin (1,8 lần).

Điểm đáng lưu ý, khi bị chồng bạo lực, cứ 4 thai phụ thì có 3 người chia sẻ với gia đình ruột, chỉ có 1 người nói với gia đình chồng. Chỉ có một số rất ít (3,1%) tìm kiếm sự giúp đỡ từ các tổ chức xã hội. Như vậy, rõ ràng thai phụ đang quá đơn độc trong vấn đề của mình. Đối với các vụ mẹ mang thai cùng con nhỏ tự tử diễn ra thời gian gần đây, hầu như mọi người xung quanh (người thân, bạn bè, hàng xóm) đều nhận ra bất ổn của thai phụ, biết thai phụ bị bạo lực nhưng hầu như không ai có sự giúp đỡ đến nơi đến chốn. Chỉ đến khi án mạng xảy ra mới chua xót, oán trách người mẹ độc ác, đã muốn chết còn bắt con nhỏ vô tội cùng chết.

PGS - TS Nguyễn Thị Thúy Hạnh (Trường Đại học Y Hà Nội) cho biết, tại Việt Nam, cứ hai thai phụ thì có một người không được hỗ trợ xã hội. Trong khi đó, sự giúp đỡ kịp thời của người thân, bạn bè, tổ chức xã hội có sự quyết định làm giảm trầm cảm cho thai phụ.

Theo Tuấn Kiệt - Khánh Linh

Dân Việt