Đại nạn... “cò” bệnh viện

Người tỉnh xa lặn lội lên thành phố mà trót gặp phải “cò mồi” bệnh viện, bệnh chưa chữa được lại mất thêm tiền và bực mình, đôi khi “cắn răng rút ví” rồi mà bệnh lại càng nặng thêm... Còn các y, bác sĩ ở bệnh viện T.Ư vốn đã quá mệt mỏi vì sự quá tải và căng thẳng lại phải lãnh chịu đủ thứ tai tiếng do “cò” thêu dệt và đem ra làm bình phong để kiếm lời...

“Cò” khám, “cò” chiếu chụp

 

Ở đâu người ta muốn nhanh chóng hơn, tiện lợi hơn là ở đó có cò mồi.

 

Tại cổng Bệnh viện K, từ sáng đến tối lúc nào cũng nườm nượp người ra vào. Đám cò mồi trong trang phục giống hệt như những người ở quê ra khám chữa bệnh nên rất khó có thể phát hiện được. Chúng thường tụ tập ở cổng bệnh viện, cổng phòng khám hay trà trộn lẫn trong những phòng chiếu, chụp, xét nghiệm v.v...

 

Tôi đang đứng lơ ngơ trước cửa phòng Xquang thì có một bàn tay đập nhẹ vào vai. Quay lại, một người đàn bà đen đúa nhỏ thó, đội mũ vải xùm sụp lên tiếng: “Anh trai muốn chụp phổi nhanh em giúp cho, đứng xếp hàng ở đây chẳng biết đến bao giờ đâu. Giá chụp phổi của bệnh viện là 30.000 đồng, cứ đưa em 50.000 đồng gọi là thuốc nước rồi em dẫn đi chụp luôn”.

 

Sau một hồi mặc cả, giá cuối cùng cho “vụ” chụp Xquang nhanh là 40.000 đồng. Tiền đã trao, 10 phút sau chị ta quay lại đưa cho tôi một bìa cứng được cắt từ vỏ bao vina mang số thứ tự 40 và bảo: “5 phút sau là đến lượt anh thôi”. Tìm đến chỗ cũ để xếp sổ y bạ, số thứ tự 40 của tôi phải sau 10 người nữa mới đến lượt. Quay lại cổng bệnh viện, tìm người phụ nữ vừa rồi, mong đòi lại tiền. Chị ta hùng hổ: “ố 40 của anh còn nhanh chán. Ráng mà chờ đi rồi biến cho sớm chợ”.

 

Phòng khám Bệnh viện mắt Trung ương trên phố Bùi Thị Xuân, 8 giờ sáng thứ tư, 20/4/2005, đông nghịt người. Bãi giữ xe của tư nhân choán 2/3 lối đi, người giằng, người kéo, tôi miễn cưỡng cho xe vào bãi của một phụ nữ. Nhẹ nhàng cho chị xin 3 “đồng” (3.000 đồng). Tôi ớ người vì bị “chém” tiền gửi xe quá đắt. Nhưng cũng đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt, vì xung quanh hai thanh niên đầu cắt cua, cởi trần để lộ những hình xăm kỳ quái như trực để tôi nếu cự nự là sẵn sàng ra ăn thua đủ.

 

Thoát khỏi bãi gửi xe, tôi bị vây lấy bởi hai người đàn bà, đội nón, khăn che mặt kín mít chỉ hở hai con mắt, xấn tới, trên tay lăm lăm tập y bạ và cây bút bi: “Em tên gì, chị ghi sổ y bạ lấy số cho. Trong kia đông lắm. Hay sang phòng khám tư của BS. Dũng, vừa nhanh, vừa sạch, rồi về với mẹ nó”.

 

Lấy cớ vì không “quen” phòng khám tư, tôi trả chị ta 35.000 đồng, rồi cầm số thứ tự của chị ta leo lên tầng 6 phòng khám tìm gặp BS. Hà (phòng khám bệnh viện cho... “chắc ăn”). Khi đưa số thứ tự của mình, BS. Hà nhã nhặn: Số thứ tự của anh chưa đến lượt, anh ra ngoài chờ đến lượt. Lúc này tôi mới sực nhớ, quên không hỏi tên người chị mới quen vừa rồi. Như hiểu được điều tôi định nói, BS. Hà nói từ tốn: “Anh bị bọn “cò” lừa rồi. Viện mắt quy định người bệnh đến khám phải nộp tiền có phiếu thu, được phát số thứ tự, rồi xếp hàng. Không chen ngang được đâu”.

 

Cũng thật “đáng khen” cho bọn cò mồi, chúng đủ “thông minh” để đón đầu người bệnh trước khi họ kịp đọc được tấm biển to lù lù ở các nơi trong bệnh viện: “Cảnh giác với cò mồi, lừa đảo”.

 

“Cò” thuốc

 

Những ai đã “may mắn” không gặp phải cò ở “đầu vào” chưa phải là đã thoát hết được nạn “cò bệnh viện”.

 

Chị N.T. Huệ ở Thuận Thành - Bắc Ninh đưa người mẹ lên khám ở Bệnh viện Bạch Mai. Trong tâm trạng lo lắng bệnh tình của mẹ, chị cầm đơn thuốc bác sĩ kê ra cửa viện và hỏi thăm chỗ mua thuốc. Gặp một chị “tốt bụng” đứng ở cửa, sốt sắng: “Em gặp đúng người rồi nhé, để chị dẫn đi mà mua cho nhanh không có lại ú ớ mua nhầm, mua sót thì khổ”. Nói rồi chị ta phăm phăm cầm luôn đơn thuốc của chị Huệ băng qua đường.

 

Chưa kịp cảm ơn, người đàn bà đã lên tiếng: “Chị chỉ xin 10.000 đồng hướng dẫn thôi. Mang thuốc vào cho mẹ đi”, vừa nói vừa như giật lấy tờ 10.000 đồng trong chiếc khăn mùi xoa của chị Huệ.

 

Tuy nhiên, mất tí tiền mà mua được đúng thuốc như chị Huệ là còn may, anh Đ.M. Khánh ở Thái Bình đưa con gái đi khám ở Bệnh viện K còn đến khổ vì “cò”. Cuối giờ chiều anh mới có được đơn thuốc cho con từ tay bác sĩ. Ra cổng viện, anh gặp ngay một bà cầm tập sổ y bạ trên tay vồn vã hỏi han. Người này bảo anh đưa đơn thuốc cho chị ta rồi nói anh đứng đợi 5 phút. Lát sau chị ta quay về cùng đơn thuốc và một túi ni-lông đủ loại thuốc bên trong, nói: “Hết 350.000 đồng, tôi chỉ xin “hai chục” công thôi”.

 

Anh Khánh kiểm tra rồi giao tiền, chỉ mong con mau khỏi, tiền nong đâu đáng gì. Thế nhưng buổi tối đến giờ uống thuốc, anh giở từng hộp một ra thì mới ngã ngửa: chỉ có duy nhất một loại là đúng theo đơn, còn lại là vỏ hộp đúng còn bên trong rặt những vỉ thuốc rẻ tiền như delcogen hay mấy vỉ thuốc lạ hoắc, không đúng đơn của bác sĩ.

 

“Bệnh” không thuốc chữa?

 

Không thể dẹp hết nạn cò nếu như không giải được các bài toán về tình trạng quá tải và sự chật chội tại các khuôn viên bệnh viện. Một số bệnh viện lớn như Việt Đức, Viện nhi, Bệnh viện mắt Trung ương đã cố gắng tổ chức các bàn hướng dẫn do y tá bệnh viện ứng trực nhằm giải quyết mọi thắc mắc của người nhà và bệnh nhân, nhưng mọi cố gắng để dẹp nạn “cò” vẫn chưa có “thuốc đặc trị”.

 

Thêm nữa, các bệnh viện đã thuê hẳn lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp của các công ty vệ sĩ, nhưng cũng bị “nhờn thuốc” bởi sự ranh ma, xảo quyệt của đội ngũ “cò” chuyên nghiệp. Bởi, lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp chỉ có trách nhiệm bảo vệ từ cổng bệnh viện trở vào, ngoài hàng rào cần có sự phối hợp của công an, chính quyền sở tại. Công an phường bận “trăm công nghìn việc” chỉ ra quân dẹp một thời gian rồi đâu lại hoàn đấy.

 

Chỉ khổ cho người quê nghèo, lạ nước lạ cái, thiếu thông tin, lại thêm tính dễ tin người, đây là đối tượng chính mà “cò” nhắm vào. Còn bác sĩ vẫn phải lãnh đủ thứ tai tiếng, vì đâu có quen “cò” nhưng vẫn bị chúng lợi dụng tên tuổi để kiếm lời.

 

Theo Sức Khỏe & Đời Sống